Những đòn 'ăn miếng trả miếng' trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Vòng áp thuế “ăn miếng trả miếng” mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc nhắm vào hàng hóa của đối phương làm gia tăng rủi ro trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những đòn 'ăn miếng trả miếng' trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng cnbn.com, vòng áp thuế “ăn miếng trả miếng” mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc nhắm vào hàng hóa của đối phương bắt đầu có hiệu lực ngày 24/9, làm gia tăng rủi ro trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm đồ nội thất và các thiết bị máy móc, và mức thuế có thể này sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay. Đây là vòng đánh thuế thứ ba của Washington nhắm vào Trung Quốc và là một phần trong chiến lược gây áp lực đối với Bắc Kinh nhằm buộc họ thay đổi các thủ đoạn thương mại gây tổn hại đến các công ty Mỹ như Trump từng tuyên bố.

Đáp trả, Chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế đối với 5.207 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có trị giá khoảng 60 tỷ USD. Trung Quốc cho biết các sản phẩm như khí tự nhiên hóa lỏng, cà phê và các loại dầu ăn sẽ phải chịu mức thuế 10%, trong khi các mặt hàng như rau quả đông lạnh, bột cacao và các sản phẩm hóa học chịu mức 5%.

Mỹ và Trung Quốc vốn đã áp thuế lẫn nhau đối với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương - động thái đang đe dọa làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ vài giờ sau khi vòng áp thuế mới nhất được áp dụng, cơ quan thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ có hành vi “ức hiếp trong thương mại.”

[Trung Quốc liệu có thể ứng phó với chính sách mới của Mỹ?]

Theo hãng tin Reuters, các phương tiện truyền thông cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ nếu các cuộc thảo luận “dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.”

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã từ chối lời mời tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại và chưa rõ thời điểm hai bên sẽ gặp nhau tiếp theo là khi nào. Matthew Goodman, phó chủ tịch và cố vấn cấp cao chuyên về kinh tế châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói: “Không mấy ngạc nhiên việc Trung Quốc từ chối các cuộc đàm phán này, Bắc Kinh thực sự không biết ai sẽ tham gia đàm phán và đàm phán về vấn đề gì kể từ khi chính quyền Trump gửi đi rất nhiều tín hiệu lẫn lộn về những điều họ muốn”.

Kể từ khi Trump thiết lập vòng áp thuế đầu tiên hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã đối phó bằng các biện pháp trả đũa đầy thách thức. Bộ Tài chính Trung Quốc đã mô tả các chính sách của Trump là theo “chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại”, còn các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố trên kênh truyền hình Fox News hôm 23/9 rằng chính phủ Mỹ “quyết tâm” giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhiều người đang mong đợi Nhà Trắng sẽ tiếp tục áp đặt vòng thuế quan thứ tư dành cho Trung Quốc.

Khi Trump công bố vòng áp thuế mới nhất đối với Trung Quốc hôm 17/9, ông cho biết việc Trung Quốc thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào đều sẽ thúc đẩy Washington “ngay lập tức theo đuổi giai đoạn 3, đó là áp thuế bổ sung đối với xấp xỉ 267 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc”. Goodman cho rằng: “Donald Trump sẽ tiếp tục thực hiện điều này cho đến khi ông cảm thấy ông nhận được chút ít thỏa mãn từ phía Trung Quốc.”

Một trong những vấn đề góp phần tạo nên không khí thù địch chính là những căng thẳng mới về quân sự. Hôm 20/9, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một đơn vị quân đội của Trung Quốc vì đã mua vũ khí từ Nga, khẳng định rằng giao dịch này đã vi phạm luật trừng phạt của Mỹ được gọi là Đạo luật Chống Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (Caatsa). Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối vấn đề này và tuyên bố Bắc Kinh sẽ triệu hồi Tư lệnh hải quân - Phó đô đốc Shen Jinlong - người đang tham gia một diễn đàn về an ninh hàng hải quốc tế tại Mỹ.

Và, theo AFP, trong bối cảnh cuộc chiến tăng thuế giữa hai gã khổng lồ thế giới đang leo thang, Trung Quốc ngày 24/9 tố cáo Mỹ dùng cáo buộc giả về thương mại để hăm dọa các nước khác. Đây là động thái mới nhất được Bắc Kinh đưa ra chỉ vài giờ sau khi Trump áp mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong Sách Trắng về căng thẳng thương mại-kinh tế với Washington, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc cho rằng Mỹ đã đưa ra một loạt cáo buộc giả và sử dụng chiêu tăng thuế cùng các phương thức hăm họa kinh tế khác nhằm tìm cách áp đặt các lợi ích riêng của họ đối với Trung Quốc bằng cách gây sức ép quá đáng.

Sách Trắng còn tố cáo chính sách "nước Mỹ trước tiên" của Donald Trump đã phá hoại sự tiến triển mấy năm qua trong việc giải quyết bất đồng thông qua các diễn đàn và hoạt động trao đổi song phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục