Những động thái của Indonesia khi nền kinh tế suy giảm

Khi suy thoái kinh tế đang dần hiện rõ, Tổng thống Jokowi liên tục "trút giận" lên các bộ trưởng vì cho rằng họ đã xử lý sai lầm nhiều vấn đề liên quan đến kiềm chế tác động tiêu cực của COVID-19.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia ngày 30/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia ngày 30/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mới đây, Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) đăng bài viết chỉ ra những vấn đề mà Tổng thống Indonesia Joko Widodo nên thận trọng xem xét trước khi tiến hành cải tổ nội các.

Đây cũng là những lĩnh vực chính mà ông Jokowi và chính phủ của mình cần tập trung sửa đổi trong giai đoạn hiện nay.

Khi suy thoái kinh tế đang dần hiện rõ, Tổng thống Jokowi liên tục "trút giận" lên các bộ trưởng trong chính phủ vì cho rằng họ đã xử lý sai lầm nhiều vấn đề liên quan đến kiềm chế tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế và các vấn đề sức khỏe của người dân Indonesia.

Cùng với những cơn thịnh nộ, danh sách 18 cơ quan, tổ chức của chính phủ dự kiến sẽ bị tinh giản cũng đã được Tổng thống Jokowi mập mờ thông báo. Những động thái này của ông Jokowi đã khiến dư luận suy đoán về một cuộc đại cải tổ nội các trong chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani, mới đây xác nhận rằng, trong quý II/2020, tăng trưởng kinh tế của Indonesia chỉ đạt 3,8% do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Ngày 16/7, Tổng thống Jokowi đã đưa ra cảnh báo nhiều khả năng Indonesia sẽ bước vào một cuộc đại suy thoái kinh tế nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra trong quý III/2020.

Sau khi đưa ra cảnh báo này, ông Jokowi đã rất giận dữ và tuyên bố rằng sẽ mạo hiểm để thực hiện một cuộc đại cải tổ nội các trước những yếu kém của các Bộ trưởng hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự giận dữ của ông Jokowi là điều dễ hiểu. Người dân Indonesia đã tỏ ra quá thất vọng với những chính sách không hiệu quả trong hai tháng giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Các chính sách đã không mang lại tác dụng đáng kể đối với việc kìm hãm số ca mắc mới và tử vong do đại dịch COVID-19 tại Indonesia. Dịch bệnh cũng đang đẩy nền kinh tế của Indonesia vào tình trạng suy thoái và thậm chí là nguy cơ khủng hoảng.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, vấn đề cải tổ nội các cũng rất quan trọng đối với Indonesia nhưng trong giai đoạn này chính phủ của ông Jokowi cần nhanh chóng ổn định và xác định chính xác những lĩnh vực cần tập trung sửa đổi.

Ưu tiên việc ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế trước nguy cơ khủng hoảng có ý nghĩa hơn là tiến hành sa thải các bộ trưởng, vì việc này có thể tạo ra sự rối loạn trong chính phủ, tạo tâm lý hoang mang trong giới quan chức cấp cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

[Indonesia phê duyệt gói kích thích 10 tỷ USD cho các công ty nhà nước]

Giới quan sát cho rằng, sẽ tốt hơn nếu chính phủ của ông Jokowi tiến hành phân tích một cách thấu đáo và xác định chính xác những lĩnh vực thực sự cần điều chỉnh. Những lĩnh vực cần được sửa đổi đó là:

Thứ nhất, tình trạng quan liêu và năng lực làm việc trong giới công chức. Các rối loạn chức năng trong nội các chính phủ Indonesia hiện nay phản ánh tình trạng quan liêu tồn tại rất lâu trong đội ngũ quan chức Indonesia. Các tổ chức nhà nước hoạt động không hiệu quả, thậm chí còn tạo ra các nút thắt trong việc đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh.

Với 4,3 triệu công chức hiện nay, trong đó 40% công chức được đánh giá là có chất lượng làm việc thấp và 20% công chức ở độ tuổi sắp nghỉ hưu. Do vậy, việc cải cách bộ máy quan liêu ngổn ngang này phải được đặt lên vị trí ưu tiên số một. Vì lực lượng này sẽ mang lại hiệu suất làm việc và tạo ra khả năng đáp ứng với mọi tình huống.

Việc cải cách đội ngũ công chức này không phải là việc tiến hành số hóa các dịch vụ công hay thúc đẩy chính phủ điện tử mà là việc đổi mới tư duy và tạo ra phong cách làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ công chức hiện nay. Hướng đội ngũ này đến mục tiêu phục vụ người dân, phục vụ toàn xã hội chứ không phải chỉ phục vụ riêng lợi ích của họ.

Thứ hai, cải cách ngành y tế và hệ thống y tế. Các chuyên gia cho rằng Indonesia không chỉ thiếu hụt đội ngũ y, bác sỹ mà tình trạng cơ sở y tế vô cùng yếu kém. Theo thống kê sơ bộ, cứ 1.000 bệnh nhân mới có một giường bệnh bình thường; 10.000 bệnh nhân COVID-19 có hai giường bệnh có hỗ trợ máy thở; 10.000 bệnh nhân có bốn bác sĩ và hai y tá chăm sóc.

Indonesia đã được các tổ chức quốc tế đưa vào danh sách là quốc gia có hệ thống y tế yếu kém nhất khu vực ASEAN. Do vậy, việc cải cách ngành y tế và hệ thống y tế của Indonesia cần phải được thực hiện sớm càng tốt, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, cải cách lĩnh vực giáo dục. Thời gian qua, tại Indonesia có khoảng 68 triệu học sinh đã phải học tại nhà. Tuy nhiên, đối với những học sinh, sinh viên sinh sống ở những khu vực không có hoặc hạn chế về điều kiện truy cập Internet, việc học tập tại nhà cũng không khác một kỳ nghỉ dài.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, chất lượng đào tạo của các trường đại học tại Indonesia không thực sự cao, nhiều sinh viên ra trường nhưng không thể sử dụng chính những kiến thức được học trong nhà trường để làm việc. Nhiều người phải chấp nhận làm các công việc phổ thông để duy trì cuộc sống.

Cải cách giáo dục đối với Indonesia là rất quan trọng, hoặc Indonesia sẽ luôn tụt hậu so với các quốc gia khác hoặc chấp nhận cải cách để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động hiện nay.

Cuối cùng, Indonesia cần nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế. Các diễn biến hiện nay cho thấy nền kinh tế của Indonesia bị tác động và ảnh hưởng rất lớn. Điều này cũng ảnh hưởng đến vấn đề việc làm của người dân.

Cải cách các chương trình xã hội và cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là việc cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách này cần đảm bảo yếu tố đơn giản, tránh phức tạp để phát huy hiệu quả nhanh chóng, trong nhưng thời điểm cần thiết nhất.

Việc cải cách cũng cần được hướng tới tạo ra các mạng lưới xã hội rộng khắp để đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân.

Với Dự luật tạo việc làm (Luật Omnibus) đang được thảo luận tại Quốc hội Indonesia, Chính phủ cần hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khoản đầu tư 150 tỷ USD vào năm 2024 sẽ đi đôi với việc cung cấp việc làm và tạo ra cơ hội việc làm nhiều hơn hơn, bảo vệ quyền của người lao động.

Tóm lại, cần có những “cánh tay” thực sự mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng, có trình độ kỹ thuật để Tổng thống Jokowi có thể dựa vào và thúc đẩy các chính sách mang lại lợi ích cho người dân.

Do vậy, nếu có diễn một cuộc cải tổ nội các, nên hướng đến mục đích tạo ra một chính phủ chuyên nghiệp và thực sự chuyên nghiệp, điều mà nội các của ông Jokowi đang không có hiện nay.

Một chính phủ mạnh mẽ, có năng lực và đáng tin cậy không chỉ phản ánh năng lực của nhà nước để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, mà còn có thể có được sự tin tưởng và tôn trọng từ phía người dân. Đó chính là vấn đề then chốt trong thời điểm khó khăn hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục