Những dự báo mới nhất về nền kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN

Chuyên gia chuyển đổi kỹ thuật số, sáng tạo và nguồn nhân lực của Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế, ông Rizal Edwin cho biết năm 2022, giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN đạt 194 tỷ USD.
Những dự báo mới nhất về nền kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN ảnh 1(Nguồn: TTXVN phát)

Giới chức Indonesia khẳng định nước này chiếm tới 40% thị trường kinh tế kỹ thuật số của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2022.

Chuyên gia chuyển đổi kỹ thuật số, sáng tạo và nguồn nhân lực của Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế, ông Rizal Edwin cho biết "Năm 2022, giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN đạt 194 tỷ USD, trong đó Indonesia nắm giữ 40%."

Ông Rizal Edwin nhấn mạnh với dân số 679 triệu người, chiếm 8% tổng dân số toàn cầu, ASEAN có tiềm năng thị trường to lớn trong thế giới kinh doanh, bao gồm cả lĩnh vực bán lẻ. Hơn nữa, sự xuất hiện của thương mại điện tửhay các nền tảng mua sắm trực tuyến, như một phần của sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đã giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm và dịch vụ; đồng thời tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, từ đó thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ ở Việt Nam. ASEAN.

[Nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á có thể cán mốc 1.000 tỷ USD]

Ông Rizal Edwin lưu ý: “Việc thâm nhập Internet và sử dụng điện thoại thông minh ngày càng mạnh mẽ đã khiến khu vực này chứng kiến sự phát triển rất nhanh trong các hoạt động giao dịch trực tuyến, từ đó mang lại những cơ hội mới cho các chủ thể kinh doanh.”

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của các nước ASEAN đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ trong khu vực. Ông Rizal Edwin cho biết thêm "Tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số nước ASEAN được ghi nhận ở mức cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 3,1%. Malaysia, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Singapore và Indonesia đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng trong khoảng từ 3,8% đến 8,7%.”

Tiếp đó, ông khẳng định Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023, đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy khu vực thiết lập quan hệ hợp tác thương mại mang lại lợi ích cao với các nước đối tác, trong đó có nỗ lực đấu tranh để hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với Liên minh châu Âu.

Giới chuyên gia cũng bày tỏ sự lạc quan rằng nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia, với giá trị dự kiến đạt 150 tỷ USD vào năm 2025, sẽ đóng vai trò là công cụ quan trọng để phục hồi nền kinh tế quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục