Những "khoảng trũng" của ngành du lịch Hà Nội

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong xây dựng sản phẩm du lịch, hạ tầng cơ sở nhưng du lịch Hà Nội vẫn chưa tạo được đột phá để hút khách.
Những năm qua, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng du lịch Hà Nội vẫn đang chờ một giải pháp đặc biệt để tạo nên bước chuyển mình, đúng với kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước và khu vực.

Vấn đề này không mới nhưng chưa bao giờ cũ, bởi mục tiêu đến năm 2015 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 15 (nhiệm kỳ 20110-2015) đặt ra sẽ khó cán đích, nếu như không có sự thay đổi về mặt tư duy và chỉ đạo.

Chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong xây dựng sản phẩm du lịch, hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực nhưng thực tế, du lịch Hà Nội vẫn chưa tạo được đột phá trong thu hút khách. Du lịch Hà Nội chưa xây dựng được các sản phẩm đặc trưng, dù Thủ đô có rất nhiều lợi thế về văn hóa, lịch sử, sinh thái, nhân văn cũng như các yếu tố về mặt địa lý, giao thông...

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Hanoi Red Tours cho rằng Hà Nội chưa định vị được những giá trị đặc trưng của ngành du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, xác định được thị trường mục tiêu và hình thức xúc tiến hiệu quả. Trong khi đó, Thủ đô có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhiều giá trị để phát triển du lịch và cần được chắt lọc để tìm ra những giá trị, yếu tố mang tính tiêu biểu.

Nhìn sang các địa phương bạn, mặc dù tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch không tốt như Hà Nội nhưng các tỉnh, thành này đã tạo ra được sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu; luôn được du khách đón đợi. Chẳng hạn như Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long và carnaval Hạ Long, Lào Cai với Sa Pa, Thừa Thiên-Huế với cố đô Huế và các kỳ festival Huế, Đà Nẵng với du lịch biển và các kỳ lễ hội pháo hoa quốc tế, sắp tới là Con đường âm nhạc; Khánh Hòa với du lịch biển và các kỳ festival biển...

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định du lịch Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung chưa gọi được là ngành công nghiệp du lịch nên hoạt động du lịch chưa thể bài bản, chưa được chuẩn hóa và chưa khai thác tối ưu tài nguyên du lịch. Du lịch Hà Nội đã làm được nhiều việc nhưng cũng còn nhiều việc cần phải làm.

Chỉ đạo chưa quyết liệt

Thực tế, thành phố Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo để đưa du lịch phát triển xứng tầm với Thủ đô 1.000 năm tuổi và có những đầu tư hạ tầng du lịch, công tác xúc tiến quảng bá. Vậy nhưng, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch lẫn các doanh nghiệp lữ hành và những ai quan tâm đến du lịch Hà Nội đều băn khoăn từ Nghị quyết, từ chỉ đạo của thành phố đến quá trình thực hiện vẫn còn nhiều "khoảng trũng."

Mặc dù, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói nhưng du lịch Hà Nội chưa được xếp vào vị trí nào trong tổng thể nền kinh tế cũng như chưa định ra được mức độ ưu tiên. Người ta cho rằng Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước và đang có những thay đổi nhanh chóng trong phát triển kinh tế đô thị, vì vậy sự quan tâm của thành phố đang hướng vào vấn đề hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng… Còn ngành du lịch vẫn bị coi là ngành “vui chơi”, chưa được đầu tư đúng mức.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist tâm tư: “Hà Nội có nhiều Nghị quyết, quyết định phát triển du lịch nhưng có lẽ cần ra một Nghị quyết thực hiện các nghị quyết đã ban hành. Bởi vì, sau khi thành phố ban hành nghị quyết thì việc thực thi của các cấp ngành lại có nhiều vấn đề. Vì vậy, từ chỉ đạo tầm cao của Ủy ban Nhân dân thành phố cho đến các ban, ngành liên quan cần phải xuyên suốt, nhìn đúng cách, hiểu đúng cách về du lịch mới được.”

Ông Kế cũng cho biết, sở dĩ du lịch Đà Nẵng thành công là do tầm nhìn, sự quyết liệt trong chỉ đạo của thành phố chứ không phải của ngành du lịch Đà Nẵng. Du lịch Hà Nội đang rất cần điều này.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng cho rằng: “Du lịch Hà Nội đang thiếu một thứ rất căn bản, đó là sự chỉ đạo quyết liệt.”

Phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành

Trong khi du lịch là ngành đặc thù, luôn phụ thuộc vào các ngành khác thì sự phối hợp thiếu đồng bộ của các sở, ban, ngành đã gây ra không ít bất cập trong hoạt động du lịch Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên, có doanh nghiệp bày tỏ: “Chúng tôi cũng có chút tủi thân, cảm giác luôn ngồi “chiếu dưới” vì luôn bị chê, có những vướng mắc không giải quyết được mà phụ thuộc ngành khác.”

Là người làm du lịch lâu năm, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist thấu hiểu: "Hà Nội chịu nhiều áp lực bởi đây địa phương có các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, áp lực về hạ tầng, dân số… dẫn tới tình cảnh đưa chính sách này lên trên thì ảnh hưởng đến chính sách khác. Chính vì vậy, du lịch không phải lúc nào cũng ưu tiên và như thế đã gây ra nhiều hạn chế trong thu hút khách, ảnh hưởng tới việc xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội.”

Điển hình như mâu thuẫn giữa đưa đón khách du lịch với bài toán giao thông vì rất nhiều tuyến đường dẫn tới các điểm tham quan, nơi lưu trú, mua sắm bị cấm vào giờ cao điểm. Vô hình chung, điều đó tạo ra sự khập khiễng vì thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan du lịch bỏ rất nhiều tiền "mời khách đến nhà chơi" thì chủ nhà lại "đóng cửa."

Do vậy, các cấp ngành cần ngồi lại với nhau, cân nhắc xem các chính sách đưa ra thực hiện ở lúc nào, cần điều chỉnh thế nào để hài hòa lợi ích các bên. Thậm chí ngay cả kinh phí xúc tiến du lịch hàng năm, đôi lúc còn không tiêu hết do vướng thủ tục hành chính với các ngành liên quan, làm mất cơ hội cho du lịch.

Mặt khác, phát triển du lịch là phát triển cả một hệ thống, nhưng sự gắn kết giữa các đơn vị lữ hành với các nhà hàng, khách sạn, nơi mua sắm, đơn vị vận chuyển còn rời rạc dẫn tới tình trạng sản phẩm không có tuổi thọ dài, giá thành cao, mất uy tín và không khuyến khích được chi tiêu cho khách.

Chính vì vậy, du lịch Hà Nội luôn bị yếu thế và hạn chế cơ hội để khẳng định mình./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục