Những nguy cơ từ đồng USD mạnh lên do tác động của bầu cử Mỹ

Trong những ngày gần đây, đồng USD mạnh cũng làm sụt giảm tỷ giá hối đoái của các thị trường mới nổi trên toàn thế giới.
Những nguy cơ từ đồng USD mạnh lên do tác động của bầu cử Mỹ ảnh 1Đồng USD. Ảnh minh họa. (Nguồn: report.az)

Ngày 18/11, giá trị đồng USD đã tăng mạnh tới mức xấp xỉ đồng euro và cao hơn nữa so với đồng yen.

Trong những ngày gần đây, đồng USD mạnh cũng làm sụt giảm tỷ giá hối đoái của các thị trường mới nổi trên toàn thế giới.

Nguyên nhân khiến đồng USD tăng nhanh giá trị là do các nhà đầu tư đặt cược rằng chi tiêu tài chính và những khoản giảm thuế mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ và làm dấy lên khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong tháng tới.

Đồng USD tăng giá giúp người tiêu dùng Mỹ được hưởng hàng hóa nước ngoài và chi phí đi du lịch rẻ hơn đồng thời có thể tạo cú huých cho xuất khẩu từ Nhật Bản và châu Âu.

Tuy nhiên, bài viết trên tờ The Wall Street Journal ngày 18/11 điều này cũng một lần nữa làm dấy lên những lo sợ rằng sức mạnh của đồng USD có thể kìm hãm sự tăng trưởng lợi nhuận của các công ty Mỹ và làm trầm trọng thêm tình trạng thoái vốn khỏi thế giới đang phát triển, khiến cho triển vọng phục hồi kinh tế chung của thế giới thêm phức tạp.

Theo bài viết, đồng USD tăng giá quá nhanh cũng đã kéo theo phản ứng từ các quan chức tiền tệ trên khắp thế giới. Ngân hàng trung ương Indonesia đã can thiệp bằng cách tung đồng USD ra bán với hy vọng có thể làm giảm đà mất giá của đồng rupiah. Malaysia, trong bối cảnh đồng ringgit mất giá mạnh, tiến hành trấn áp hoạt động giao dịch tại các thị trường kỳ hạn nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ tiền tệ.

Trung Quốc cũng can thiệp, bình ổn đồng nhân dân tệ bằng cách sử dụng các ngân hàng quốc doanh để ngăn chặn đồng tiền này mất giá quá nhiều. Ngân hàng trung ương Mexico ngày 17/11 vừa qua nâng lãi suất để đối phó với tình trạng đồng peso mất giá cũng như tâm lý bất an trước tương lai quan hệ của nước này với đối tác mậu dịch lớn nhất của họ.

Ông Jonathan Lewis, nhà phụ trách đầu tư của công ty Fiera Capital Inc, nói: "Đồng USD mạnh đang gây bất ổn đáng kể tới các thị trường, các tài sản nước ngoài, các quốc gia có những thị trường mới nổi đang gánh nhiều món nợ bằng đồng USD."

Nạn nhân đầu tiên của đồng USD mạnh lên có thể là sự phục hồi chập chững của lợi nhuận công ty ở Mỹ.

Theo dữ liệu của FactSet, doanh thu của các công ty thuộc nhóm S&P 500 đã tăng khiêm tốn 3% trong quý 3 vừa qua sau khi sụt giảm trong 5 quý liên tiếp, mặc dù 6% số công ty chưa công bố thu nhập trong quý 3.

Giới phân tích dự đoán thu nhập của nhóm này sẽ tăng 3,4% trong quý 4 này, giảm nhẹ so với dự đoán là 3,7% hôm trước bầu cử một ngày.

Hãng sản xuất đồ uống Coca-Cola dự đoán những dao động của đồng USD sẽ khiến thu nhập trước khi trừ thuế của họ giảm tới 9% trong năm nay. "Người khổng lồ" Apple cho biết đồng USD mạnh có thể khiến thu nhập của họ giảm 650 triệu USD trong nămnay.

Mới trong tuần này, hãng Cisco Systems dự đoán nhu cầu của khách hàng nước ngoài sẽ giảm sút, phần nào là do "những cơn gió ngược tiền tệ." Giám đốc điều hành Chuck Robbins cho hay một số khách hàng của Cisco đã trì hoãn chi tiêu vốn "cho tới khi tình hình tiền tệ rõ ràng hơn."

Phát biểu tại Ủy ban Kinh tế hỗn hợp của Quốc hội hôm 17/11 vừa qua, Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, cho biết đồng USD mạnh đã đang gây áp lực lên một số công ty công nghiệp của Mỹ. Theo bà, sản lượng chế tạo tiếp tục bị hạn chế do sự sụt giảm đà tăng trưởng kinh tế ở nước ngoài và sự tăng giá của đồng USD trong suốt 2 năm qua."

Các nhà đầu tư đang rót tiền vào những công ty có phần lớn thu nhập tại Mỹ và ít bị tổn thương trước những biến động tiền tệ. Cổ phiếu của các công ty nhóm S&P 500 có hơn 90% nhu nhập đến từ trong nước Mỹ, như là công ty Kohl, đã tăng 3,4% kể từ sau cuộc bầu cử hôm 8/11 vừa qua. Cổ phiếu của những công ty có đa số thu nhập đến từ ngoài nước Mỹ như IBM, chỉ tăng có 1,9%.

Tuy nhiên, đây có thể là sự phục hồi không bền vững. Goldman Sachs Group Inc. mới đây công bố chỉ số cho thấy các điều kiện tài chính ở Mỹ đã bị thắt chặt ở mức chưa từng thấy kể từ tháng Ba đến nay. Đồng USD mạnh lên là thủ phạm khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt vì nó khiến lãi suất các khoản vay mượn bằng USD ở bên ngoài nước Mỹ cao hơn. Hậu quả là các công ty không còn nhiều tiền để chi tiêu, và kéo theo lợi nhuận cũng giảm sút.

Đồng bạc xanh tăng giá mạnh có thể làm đảo lộn các thị trường ở nước ngoài. Giá nguyên liệu thô, mặt hàng xuất khẩu chính của nhiều quốc gia đang phát triển, có thể bị gây áp lực vì chúng được tính bằng đồng USD và sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với những khách hàng nước ngoài. Các nhà phân tích cho biết khối lượng giao dịch hàng hóa như dầu, vàng và than đã giảm trong mấy ngày gần đây do đồng USD mạnh lên.

Những khoản nợ tính bằng đồng USD đã trỏ nên đắt đỏ hơn so với thời điểm những nền kinh tế mới nổi vay nợ nhiều.

Số nợ bằng USD cấp cho các thị trường mới nổi trong năm 2016 đạt ngưỡng cao kỷ lục 409 tỷ USD, phá kỷ lục 403 tỷ USD của 2 năm trước, theo số liệu của Dealogic. Điều này đã từng có tiền lệ: mức tăng 8% của đồng USD trong năm 2015 đã góp phần gây ra tình trạng bán tháo trên khắp các thị trường thế giới vào tháng Tám cùng năm.

Nhiều nhà đầu tư đã đang bán tháo tài sản tại các quốc gia đang phát triển. Kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua gần 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã tháo chạy khỏi các cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong tuần này đã tụt xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua, làm dấy lên những lo ngại rằng sự suy yếu của đồng nhân dân tệ có thể gây áp lực buộc các quốc gia đang phát triển khác phải cạnh tranh bằng cách phá giá đồng nội tệ.

Ông Lewis của Fiera Capital nói: "Đồng nhân dân tệ mất giá nhanh hơn người ta tưởng. Thông thường đây không phải là động thái tích cực đối với các đồng tiền châu Á khác cũng như các thị trường khác"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục