Năm 2016, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp hơn so với dự báo, giá nhiều hàng hóa cơ bản và giá dầu thô ở mức thấp. Ngành dệt may đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những tác động này.
Mặc dù đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu dệt may của năm từ mức 31 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đến cuối năm 2016 chỉ đạt 28,5 tỷ USD, thấp hơn so với dự kiến, hoàn thành 92% kế hoạch xuất khẩu, với mức tăng trưởng đạt 5,6% so với năm 2015.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết một trong những nguyên nhân khiến ngành dệt may tăng trưởng thấp là do giá bông xơ biến động, giá sợi giảm. Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sợi nhập từ Việt Nam gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất sợi.
Nguyên nhân khác là chính sách giữ tỷ giá của đồng Việt Nam ổn định hơn so với một số ngoại tệ đã khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ...
Ngoài ra, ngành đang chịu áp lực vì chi phí tăng cao như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… làm cho giá thành cao hơn một số nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, dòng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang chững lại, việc chuyển nhượng doanh nghiệp diễn ra nhiều hơn các năm trước; tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tăng lên gần 70%, doanh nghiệp trong nước ngày càng thu hẹp cũng là những nguyên nhân làm sức tăng trưởng của ngành dệt may không như kỳ vọng.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đánh giá đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong khoảng thời gian từ năm 2010 trở lại đây và chỉ cao hơn năm 2008 - năm xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới cũng là năm dệt may không có tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới trong năm nay với tổng cầu thấp, giá cả hàng hóa giảm từ 5-7%; riêng hàng hóa thời trang giảm 10%, thì Việt Nam lại là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 6 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới và vẫn được các đối tác nhập khẩu đánh giá cao.
Theo ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, năm 2016 là một năm rất đặc biệt cũng là một năm khó khăn đối với May 10. Mặc dù kết quả sản xuất của May 10 vẫn đạt được mức tăng trưởng 6% so với năm ngoái nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, May 10 vẫn giữ vững sản xuất, bởi có sự hợp tác lâu năm với nhiều công ty nước ngoài. Chỉ có điều không thuận lợi là trước đây những đơn hàng được ký trước dài hạn (thông thường ký trước 6 tháng, hoặc tối thiểu 3 tháng) nhưng nay khách hàng chỉ ký trước chỉ hơn một tháng.
Bà Lê Thị Hà Chi, Giám đốc điều hành Tổng Công ty may Nhà Bè, cho biết trong điều kiện ngành dệt may ngày càng cạnh tranh khốc liệt, Tổng Công ty đã đề ra những giải pháp linh động nên hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua các chỉ tiêu từ 10 đến 15%.
Nhìn lại năm 2016, các thị trường xuất khẩu hàng dệt may có sự biến động đáng kể. Thị trường EU với nhiều bất ổn cả về chính trị và kinh tế, nhưng dệt may vẫn duy trì mức tăng trưởng 3,5%. Trong đó Pháp đạt tăng trưởng nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam ấn tượng nhất với mức 30,9%.
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Hàn Quốc bứt phá mạnh những tháng cuối năm, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 2,37 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015.
Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng may mặc có khối lượng xuất khẩu gia tăng nhanh nhất vào Hàn Quốc. Thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại Hàn Quốc đã được mở rộng thêm 3,98% về trị giá và 3,14% về khối lượng.
Với thị trường Nhật Bản, sau khi tăng chậm trong những tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Nhật đã bứt phá mạnh từ tháng 8, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,91 tỷ USD, tăng 5,75% so với năm 2015.
Với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 817 triệu USD, tăng 25% so với năm 2015.
Các chuyên gia trong ngành dự báo về triển vọng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc là rất khả quan vì các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như TPP, EU hiện đã gần như bão hòa, khó có thể tăng mạnh và xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng đạt mức tăng trưởng khá 10% nhưng dung lượng thị trường Hàn Quốc bị hạn chế.
Trong khi đó, Trung Quốc là một thị trường có quy mô rộng lớn, địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may từ 100 triệu USD và có mức tăng cao như Nga đạt 100 triệu USD, tăng 20%; Australia đạt 161 triệu USD, tăng 15%.
Theo ông Trương Văn Cẩm, vượt qua những khó khăn, ngành dệt may Việt Nam đã xuất siêu 15 tỷ USD, tăng 8,57 điểm phần và tỷ lệ giá trị tăng thêm đạt 52,6%, tăng 1,4 điểm phần trăm so với năm 2015.
Sang năm 2017, dự báo tổng nhu cầu dệt may thế giới vẫn tăng trưởng chậm, đặc biệt với việc Brexit và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không ủng hộ TPP sẽ ảnh hưởng bất lợi đến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 30,5 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với mức thực hiện năm 2016./.