Những nhiệm vụ trọng yếu của ngành Chứng khoán trong năm 2024

Năm 2023, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so năm 2022, tương đương 62% GDP năm 2022 với 739 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức Lễ đánh cồng Khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức Lễ đánh cồng Khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2023 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực so với các thị trường ở khu vực và trên thế giới.

Kênh huy động vốn trung và dài hạn

Tại Lễ đánh cồng Khai trương Phiên giao dịch Chứng khoán đầu năm 2024 diễn ra ngày 2/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên năm 2023 thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực so với các thị trường ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2022, tương đương khoảng 62% GDP năm 2022 với 739 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt trên 17.500 tỷ đồng/phiên.

“Các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đã đẩy mạnh huy động vốn đồng thời khẳng định thị trường chứng khoán dần trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế,” ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh vẫn duy trì ổn định với khối lượng giao dịch bình quân đạt 236.867 hợp đồng/phiên. Số tài khoản nhà đầu tư mới tăng trên 350.000 tài khoản, đưa tổng số lượng hiện có 7,4 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số. Con số này đã vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được đề ra trong Đề án Cơ cấu lại Thị trường Chứng khoán và Bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Thị trường trái phiếu Chính phủ hỗ trợ huy động thông qua hoạt động đấu thầu trái phiếu đạt 305.256 tỷ đồng, tăng 54,9% với năm 2022; thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp cũng ghi nhận giá trị đạt 5.880 tỷ đồng/phiên.

Đặc biệt, việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ ngày 19/7/2023 được xem là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch. Từ đó, thanh khoản được thúc đẩy cũng như tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển bền vững hơn. Hiện, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện có 869 mã trái phiếu của 244 tổ chức phát hành, giá trị đăng ký giao dịch 600,7 nghìn tỷ đồng, thanh khoản bình quân trên thị trường đạt 1.700 tỷ đồng/phiên.

do-1424-2237.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: Vietnam+)

"Cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán đã tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi phức tạp. Nhờ đó, trật tự kỷ luật, kỷ cương của thị trường được giữ vững, công tác giám sát, thanh tra kiểm tra được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán góp phần làm thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả," ông Chi nói.

Tập trung giám sát, xử nghiêm sai phạm

Bước sang năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh đây năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội được Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho ngành Chứng khoán, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu.

Một là tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó chú trọng chất lượng và tiến độ sửa đổi. Các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tầm nhìn dài hạn cho mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán bền vững và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển Thị trường Chứng khoán đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán vận hành liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch, thanh toán sau giao dịch, phát triển các sản phẩm mới, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.

Ba là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, chủ động theo dõi các đơn vị để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, nâng cao chất lượng hàng hóa của thị trường. Từ đó, các hành vi vi phạm sẽ kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đảm bảo tính răn đe, kỷ luật, kỷ cương của thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường chứng khoán hoạt động ngày càng minh bạch, lành mạnh, khôi phục niềm tin của thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.

Bốn là tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán. Chủ động trong công tác hội nhập, hợp tác quốc tế, tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới.

Năm là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động thị trường.

do-1464-6575.jpg
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương. (Ảnh: Vietnam+)

Thay mặt lãnh đạo ngành Chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành Chứng khoán cụ thể hóa thành chương trình hành động trong năm 2024 và tổ chức triển khai một cách hiệu quả, đảm bảo thực thi các giải pháp Chiến lược Phát triển Thị trường Chứng khoán đến năm 2030.

"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung hoàn thiện cơ chế, chủ động theo dõi, giám sát thị trường; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh các giải pháp phát triển về thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm sớm được nâng hạng thị trường, tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết được huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Trong đó, gắn IPO với niêm yết, rút ngắn thời gian phát hành IPO với thời gian được niêm yết trên thị trường chứng khoán và chủ động công bố thông tin một đầu mối," bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục