Mạng tin Middle East Eye mới đây đăng bài phân tích, trong đó chỉ ra một số rủi ro mà các quốc gia vùng Vịnh có thể phải đối mặt nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Nước Mỹ chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Người dân nước này sẽ có cơ hội để tiếp tục lựa chọn Tổng thống Donald Trump, hoặc sẽ biến ông trở thành một trong số ít tổng thống một nhiệm kỳ trong lịch sử nước Mỹ bằng cách bỏ phiếu cho đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ.
Dù nhiều chuyện có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 11 tới, ông Trump đang phải đối mặt với cuộc chiến tái tranh cử đầy khó khăn.
Hàng loạt thách thức bủa vây chính quyền của ông, từ sự suy sụp của hệ thống y tế công và những tác động kinh tế của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho đến làn sóng phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát nhằm vào người Mỹ gốc Phi sau cái chết của thanh niên da màu George Floyd.
[Chiến dịch gây quỹ tranh cử của Tổng thống Donald Trump vượt 1 tỷ USD]
Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đang gặp rắc rối lớn khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đối thủ Biden đang dẫn trước ông Trump về tỷ lệ ủng hộ.
Trên lý thuyết, ông Trump vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới dù thua về số phiếu phổ thông, tương tự như những gì ông đã làm được được khi đánh bại bà Hillary Clinton hồi năm 2016.
Tuy nhiên, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden được cho là đang dẫn đầu ở nhiều bang chiến địa quan trọng của ông Trump như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
Nói tóm lại, trừ khi có điều gì đó làm thay đổi mạnh mẽ môi trường chính trị hiện nay, ông Biden nhiều khả năng sẽ đánh bại Trump trong cuộc bầu cử vào mùa Thu này và thậm chí đảng Dân chủ sẽ có cơ hội giành lại Thượng viện, từ đó có thể kiểm soát chính trường Mỹ.
Có ý kiến cho rằng Tổng thống Donald Trump khi nắm quyền đã làm phân cực nền chính trị của Mỹ ở một mức độ chưa từng thấy, và tất cả những người ủng hộ ông phải đối mặt với viễn cảnh “vận may bị đảo ngược” nếu ông và các đồng minh Cộng hòa thua trong cuộc bầu cử sắp tới.
Bốn năm cầm quyền của ông Trump đã chứng kiến sự thay đổi kỳ lạ về mối quan hệ của Mỹ và các nước Arab, dưới vỏ bọc của cái gọi là “thỏa thuận thế kỷ.”
Về bản chất, bản kế hoạch này yêu cầu các quốc gia Arab, đặc biệt là các nước vùng Vịnh, từ bỏ mọi sự kháng cự đối với tham vọng của Israel ở Palestine, để đổi lấy sự hỗ trợ hoàn toàn của Mỹ và Israel cho các quốc gia vùng Vịnh trong cuộc đối đầu với Iran.
Một khía cạnh khác trong mối quan hệ đang thay đổi là cách tiếp cận theo chiều hướng sẵn sàng hoan nghênh mọi thương vụ mua sắm vũ khí của Mỹ dành cho các nước vùng Vịnh, cùng với việc “nhắm mắt làm ngơ” trước các vi phạm nhân quyền của các đồng minh Arab.
Chính quyền Tổng thống Trump khăng khăng bán vũ khí tấn công cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ.
Bên cạnh đó, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 10/2018 cũng đã chỉ ra những mâu thuẫn trong cách tiếp cận của ông Trump đối với các mối quan hệ đối ngoại, trong đó ông nói rằng sẽ không hủy các hợp đồng vũ khí dành cho Saudi Arabia, trong khi tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm cho hành động tội ác này.
Có thể thấy ông Trump sẵn sàng cung cấp cho các nhà lãnh đạo Arab vùng Vịnh công cụ để theo đuổi bất kỳ chính sách nào mà họ thấy cần thiết để bảo vệ an ninh, mà không đặt ra những câu hỏi về nhân quyền hay dân chủ như trước đây, miễn là các nước vùng Vịnh chấp nhận để Israel theo đuổi kế hoạch của mình đối với Palestine, đồng thời tiếp tục mua vũ khí của Mỹ và sẵn sàng đối đầu với Iran.
Khó có thể tưởng tượng được một Chính quyền đảng Dân chủ sẽ hỗ trợ các chính sách tương tự như của chính quyền đương nhiệm. Đối với nhiều thành viên đảng Dân chủ, việc ông Trump cởi mở với các nhà lãnh đạo Arab bảo thủ, như với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, không được coi là một chiến lược sắc sảo để tiếp tục các lợi ích của Mỹ.
Ngay cả khi các quốc gia vùng Vịnh coi ông Trump như một đồng minh có giá trị trong Nhà Trắng, cả trong cuộc đối đầu bên ngoài với Iran, hay trong các cuộc đối đầu nội bộ với các nhà cải cách, họ dường như đã đánh giá thấp mức độ mà người Mỹ hiện đang xem họ như những người không thể tha thứ khi theo đuổi “chủ nghĩa Trump.”
Nhiều khả năng là trong trường hợp giành chiến thắng sau cuộc bầu cử mùa Thu này, Chính quyền của ông Biden và các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ khi đó sẽ tìm cách thiết lập lại hoàn toàn quan hệ với các nước vùng Vịnh.
Liên minh thay thế Chính quyền Tổng thống Trump sẽ là đa sắc tộc, đa tôn giáo và tầng lớp lao động, quan tâm sâu sắc đến các vấn đề bất bình đẳng thu nhập và tôn trọng quyền con người.
Họ sẽ không duy trì thiện cảm đối với các quốc gia vùng Vịnh chỉ vì sự giàu có, mà thay vào đó sẽ chú ý hơn tới những bất bình đẳng, vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Mặc dù ứng cử viên Bernie Sanders không giành được đề cử của đảng Dân chủ, song ông vẫn là một nhân vật rất nổi tiếng và những lý tưởng của ông nhận được sự coi trọng của đảng Dân chủ. Chẳng hạn, sự lên án công khai của ông đối với Saudi Arabia có thể là đại diện cho quan điểm của đại đa số cử tri và nhà hoạt động của đảng Dân chủ.
Khi nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu đối với dầu mỏ vùng Vịnh suy giảm cùng với sự gia tăng của các nguồn năng lượng thay thế và việc phát hiện ra các mỏ dầu lớn mới ở Bắc Mỹ, tầm quan trọng toàn cầu của vùng Vịnh đã suy giảm và sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.
Sự sụp đổ của giá dầu sau đại dịch COVID-19 chỉ làm tăng tốc xu hướng này. Bản chất dễ đổ vỡ của các chế độ tại vùng Vịnh khiến họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để tồn tại.
Người Mỹ ngày càng không sẵn lòng cung cấp những hỗ trợ này, đặc biệt nếu điều đó đồng nghĩa với việc mạo hiểm cùng những tổn thất đáng kể, trong đó có châm ngòi cho một cuộc chiến mới với Iran.
Điều này sẽ đặc biệt đúng nếu ông Biden đánh bại Trump và người dân Mỹ chỉ nhìn thấy các quốc gia vùng Vịnh thông qua lăng kính về mối quan hệ trước đây của họ với một tổng thống thất cử. Đồng thời, các cường quốc bên ngoài khác như Nga hay Trung Quốc sẽ chưa thể thay thế Mỹ trở thành nhà bảo trợ an ninh cho các quốc gia vùng Vịnh.
Các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng phải đối mặt với câu hỏi sống còn: Phải tìm cách củng cố an ninh bằng cách tái lập quốc gia trên nền tảng dân chủ và tìm kiếm cơ hội hòa bình, hội nhập và phát triển khu vực hay họ sẽ phải chấp nhận dung hòa hơn với Israel, quốc gia được coi là có lợi ích trong việc duy trì sự xáo trộn ở khu vực Arab.
Tuy nhiên, một vòng tay rộng mở hơn với Israel, bất chấp những nỗ lực ngày càng rõ ràng để đặt nền tảng cho việc bình thường hóa các mối quan hệ, sẽ mang đến những rủi ro đáng kể cho các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là khi Israel đang theo đuổi những kế hoạch sáp nhập lãnh thổ.
Các quốc gia vùng Vịnh, đã đặt cược rất nhiều vào Tổng thống Trump, dường như không thấy những lợi ích rõ ràng nào trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên.
Và trớ trêu thay, giờ đây họ lại nằm trong số những bên thua cuộc lớn nhất nếu ông Trump và đảng Cộng hòa thua trong trận chiến quyết định vào mùa Thu này./.