Những tấm áp phích thời đại Tổng thống Trump có ý nghĩa gì?

Những hình ảnh mới này không có mặt và cũng không trực tiếp nhắc tới ông Trump, mà thay vào đó tập trung vào các nhóm sắc tộc mà các nhà hoạt động lo ngại rằng sẽ bị loại trừ khỏi nước Mỹ
Những tấm áp phích thời đại Tổng thống Trump có ý nghĩa gì? ảnh 1Bức hình của Fairey vẽ một cậu bé người Mỹ gốc Phi với mái tóc dreadlock. (Nguồn: Independent)

Theo tờ Independent, nghệ sỹ đường phố người Mỹ Shepard Fairey đã thiết kế một tấm áp phích cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Barack Obama vào năm 2008. Bức vẽ gương mặt ông Obama với 3 màu xanh, đỏ và bên trên chữ “HOPE” (hy vọng) đã nhanh chóng trở thành hình ảnh biểu tượng của cuộc bầu cử, và tiếp tục là hình ảnh nổi bật trong suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Giờ đây, nó cũng là lời nhắc nhở về những hy vọng được hứa hẹn nhưng cuối cùng lại trở thành thất vọng, và nhiều nghệ sỹ có thể đã đi tới kết luận rằng trong tương lai họ sẽ không tham gia vào các chủ đề chính trị nữa.

Nhưng Fairey thì khác - anh đã trở thành trung tâm của một sáng kiến trên Kickstarter nhằm kêu gọi hỗ trợ tài chính cho một chiến dịch áp phích biểu tình của công chúng phản đối lễ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump mang tên: ​"Nhân dân chúng ta: nghệ thuật công chúng cho lễ nhậm chức và hơn thế nữa."

Sáng kiến đã thu được thành công lớn khi quyên góp được 1,4 triệu USD trong 1 tuần. Các tấm áp phích đã xuất hiện khắp nơi ở Washington ngày 20/1 - được dán trên những tấm bảng và ở các góc phố - và sẽ được in thành các trang quảng cáo trên tờ Washington Post, cũng như những tấm thiệp gửi tới tổng thống mới.

Những hình ảnh mới này không có mặt và cũng không trực tiếp nhắc tới ông Trump, mà thay vào đó tập trung vào các nhóm sắc tộc mà các nhà hoạt động lo ngại rằng sẽ bị loại trừ khỏi nước Mỹ của vị tổng thống mới này.

Đó là một sự chuyển dịch lớn về trọng tâm, nhưng vẫn giữ 3 màu cơ bản trên tấm áp phích của ông Obama và phong cách đặc trưng của Fairey. Điều này cho ta biết điều gì về hành trình của anh với tư cách một nhà bình luận chính trị - và về nghệ thuật liên quan tới chính trị trong năm 2017?

Những ảo ảnh đã mất

Tấm áp phích Obama của Fairey không nói về một người đàn ông cụ thể, mà về một biểu tượng anh hùng trừu tượng được lý tưởng hóa. Đó là hình ảnh ông Obama nhìn lên phía trên bên phải với một gương mặt đăm chiêu, hướng tầm mắt tới những hy vọng trong tương lai của đất nước.

Nó là biểu tượng cho những lời hứa hẹn về những điều chưa tới, chưa được tưởng tượng ra - tương tự như với các nhà lãnh đạo đắc cử nhờ nguyện vọng thay đổi, chẳng hạn như Tony Blair hay John F. Kennedy.

Trong hình ảnh do Fairey tạo ra, có lời hứa về hy vọng, nhưng không có điều gì cụ thể cả. Nó khuyến khích người xem đưa những mong muốn của chính họ vào sự suy tưởng của biểu tượng.

Dù có sức mạnh tạo cảm hứng mạnh mẽ, tấm áp phích đã tự đưa nó tới thất bại khi đưa ra một lời hứa cá nhân không thể được giữ trọn. Một người đàn ông sao có thể đáp ứng những hy vọng cá nhân của hàng triệu công dân?

Từng được giương cao như ví dụ cho thấy một tấm áp phích chính trị có thể đem lại sự thay đổi tích cực trên thế giới ra sao, giờ đây nó có lẽ chỉ như một lời cảnh báo rằng tất cả những điều đó cuối cùng chỉ là sự tuyên truyền mà thôi.

Fairey khẳng định rằng mình là một trong những người thất vọng trước 8 năm cầm quyền của ông Obama.

Khi được hỏi trong một bài phỏng vấn năm 2015 rằng anh có nghĩ ông Obama đã hoàn thành được lời hứa trên tấm áp phích của anh hay không, Fairey đã trả lời thẳng thắn: “Không hề... Ông Obama đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng đã có rất nhiều điều ông ấy đã đánh đổi mà tôi không bao giờ ngờ tới.”

Những tấm áp phích thời đại Tổng thống Trump có ý nghĩa gì? ảnh 2Tấm áp phích với dòng chữ“Nhân dân chúng ta vĩ đại hơn nỗi sợ hãi,” một người phụ nữ Hồi giáo quấn một tấm hijab hình cờ Mỹ nhìn thẳng vào mắt người xem. (Nguồn: Independent) 

Một cách tiếp cận mới

Ba tấm áp phích mới của Fairey chỉ giống với bức vẽ ông Obama ở vẻ bề ngoài. Quyết định không sử dụng hình ảnh của tổng thống mới như một người hùng hay một kẻ phản diện, chúng là hình ảnh của những cá nhân trong lòng công chúng đại diện cho các nhóm bị gạt ra ngoài lề trong xã hội.

Theo lời giới thiệu được viết trên trang Kickstarter, đó là việc tạo ra “một loạt những hình ảnh ghi lại được tinh thần nhân đạo chung của một nước Mỹ đa dạng của chúng ta.” Hai nghệ sỹ Ernesto Yerena và Jessica Sabogal đã đóng góp 2 bức áp phích khác.

Trong khi chủ đề trung tâm của các sáng tác của Fairey luôn là tuyên truyền và quyền lực, tấm áp phích “Hy vọng” nói lên nhiều điều về một cách tiếp cận tuyên truyền truyền thống thông thường và vận hành trong tương lai. Nhưng trong những hình ảnh mới của anh, không có hy vọng mơ hồ nào hết: những gương mặt trong hình không hứa hẹn về tương lai. Họ biết ngay lúc này họ muốn gì.

Trên dòng chữ “Nhân dân chúng ta vĩ đại hơn nỗi sợ hãi,” một người phụ nữ Hồi giáo quấn một tấm hijab hình cờ Mỹ nhìn thẳng vào mắt người xem. Với cái nhìn trực diện đó, tấm áp phích đã trở thành một sự đối mặt cá nhân. Đó là một thách thức trực tiếp để xem xét ý nghĩa của việc trở thành một cá nhân trong “Nhân dân chúng ta” trong hiến pháp Mỹ, và nhằm giữ vững các giá trị chung, chẳng hạn như tự do trước nỗi sợ hãi trong lòng xã hội.

Bức hình của Fairey vẽ một cậu bé người Mỹ gốc Phi với mái tóc dreadlock trái ngược với tư thế ngước lên nhìn về phía xa của ông Obama, mà thay vào đó là tư thế nhìn xuống phía dưới bên trái.

Cậu bé không tìm kiếm một vị anh hùng để cứu mình. Ánh mắt của cậu bé không tập trung vào một giấc mơ hy vọng mơ hồ, mà kiên định nhìn vào những thực tế trong cuộc sống của một công dân da den ở Mỹ ngày nay.

Tác phẩm này cho thấy Fairey đã học hỏi và trưởng thành với tư cách một nhà bình luận chính trị so với năm 2008. Bằng việc chuyển từ sự tưởng tượng tương lai sang thực tế hiện tại, và chuyển sức mạnh từ vị chính trị gia anh hùng sang cá nhân các công dân, những tấm áp phích năm 2017 của anh đã vượt qua giới hạn của sự tuyên truyền.

Chúng có tiềm năng trở thành “những biểu tượng của hy vọng,” như đã viết trên Kickstarter, và đem đến một chiến lược tích cực để “ngăn chặn làn sóng đang lên của sự thù ghét và sợ hãi ở Mỹ.” Như Fairey đã phát biểu gần đây: “Chúng ta có Trump, vậy liều thuốc giải ở đây là gì? Đó là không tấn công Trump thêm nữa.”

Đó là những tấm áp phích tấn công sự thù ghét bằng cách từ chối không tấn công. Làm như vậy, họ đã mang lại hy vọng mới cho vai trò và tầm quan trọng của nghệ thuật trong chính trị ở nước Mỹ do ông Trump lãnh đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục