Những thách thức lớn với nền kinh tế Canada trong 2014

Kinh tế Canada đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là nỗ lực giảm áp lực nợ tiêu dùng của các hộ gia đình và thâm hụt ngân sách.

Sau năm 2013 với bộn bề khó khăn, bước sang năm 2014, nền kinh tế Canada đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là nỗ lực giảm áp lực nợ tiêu dùng của các hộ gia đình và thâm hụt ngân sách, trong khi vẫn phải thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư cũng như cải thiện thị trường việc làm để phục hồi kinh tế.

Mạng tin Thư tín địa cầu ngày 1/1 cho biết một trong những thách thức đầu tiên mà kinh tế Canada phải tập trung giải quyết là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi nền kinh tế còn nhiều hạn chế.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế của Canada thấp trong năm qua là do hoạt động xuất khẩu và đầu tư yếu kém, nợ hộ gia đình tăng cao khiến chi tiêu bị hạn chế, lĩnh vực địa ốc suy giảm và chính phủ siết chặt ngân sách trong trung hạn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Canada hạn chế đầu tư và mở rộng năng lực sản xuất do nhu cầu thị trường thấp. Những thách thức cạnh tranh hiện nay của Canada vẫn là một quan ngại lớn, do thị phần các thị trường xuất khẩu toàn cầu của nước này liên tục sụt giảm trong những năm gần đây.

Thách thức thứ hai là vấn đề cải cách chính sách thị trường việc làm tại Canada. Trong năm 2013, dư luận trong nước đã tranh cãi về vấn đề khoảng cách kỹ năng tiềm tàng và những quan ngại về hiệu quả đào tạo trong thị trường lao động.

Dự kiến năm nay, chính phủ có thể tiến hành những cải cách quan trọng, đặc biệt là chương trình hỗ trợ đào tạo lao động "Canada Job Grant" gây tranh cãi và chương trình "Các thỏa thuận phát triển thị trường lao động" (LMDA) đang được điều chỉnh lại.

Trong bối cảnh nhu cầu thuê lao động của các doanh nghiệp Canada đang có xu hướng sụt giảm, mục tiêu của chính phủ nước này là hỗ trợ 1,3 triệu người Canada thất nghiệp tìm được việc làm, cũng như tạo điều kiện cho những người đang đi làm có thể phát triển kỹ năng làm việc hiệu quả.

Theo giới chuyên gia, trong năm nay, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Canada cũng phải đối mặt với một khó khăn khác, đó là khả năng Mỹ sẽ triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá hàng tỷ USD nhằm mở đường cho các sản phẩm năng lượng của Canada xâm nhập thị trường Mỹ.

Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù dự án này hứa hẹn các lợi ích kinh tế lớn đối với cả Canada và Mỹ, nhưng việc cấp phép cho dự án này là không dễ dàng do một số yếu tố như sản lượng dầu khí trong nước tăng mạnh tại Mỹ trong những năm qua nhờ những công nghệ mới, cạnh tranh mạnh mẽ với các công ty sản xuất dầu cá tại tỉnh Alberta.

Trong bối cảnh Washington đang hướng tới mục tiêu độc lập về năng lượng, số phận của dự án đường ống Keystone XL có liên quan đến tương lai cơ sở hạ tầng năng lượng Bắc Mỹ và ngành tài nguyên Canada đang phải vượt qua nhiều khó khăn để được triển khai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục