Những thú vị về Mặt trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất

Nhiệt độ ở Mặt trăng dao động từ 127 độ C xuống đến âm 173 độ C, tuy cách Trái đất 384.400km nhưng Mặt trăng lại điều hòa cách Trái đất quay quanh trục của mình, tạo ra khí hậu ổn định cho chúng ta.

Mặt trăng là nơi duy nhất ngoài Trái đất mà con người từng đặt chân tới, ít nhất là cho đến thời điểm này.

Môi trường của Mặt trăng không thân thiện đối với con người do bầu khí quyển ở đây quá yếu ớt, không thể bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ của Mặt trời hay khỏi các thiên thạch.

Nhiệt độ bề mặt ở Mặt trăng dao động từ 127 độ C ở nơi có ánh sáng Mặt trời xuống mức âm 173 độ C ở các vùng tối.

Có một số giả thuyết khác nhau về cách thức Mặt trăng hình thành. Giả thuyết chính cho rằng Mặt trăng là kết quả của một vụ va chạm giữa một thiên thể có kích thước tương đương Sao Hỏa với Trái đất cách đây khoảng 4,5 tỷ năm.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới lại cho rằng Mặt trăng thực ra được tạo thành bởi một tập hợp các thiên thể va chạm với Trái đất rồi gắn chặt với nhau. Theo kịch bản này, Mặt trăng được hình thành sau nhiều va chạm, thay vì một va chạm duy nhất.

Dù cách Trái đất khoảng 384.400km và có đường kính chưa bằng 1/3 đường kính Trái Đất, vệ tinh tự nhiên duy nhất của hành tinh chúng ta có một vai trò sống còn, điều hòa cách Trái đất xoay quanh trục của mình. Điều này giúp tạo ra khí hậu tương đối ổn định của chúng ta.

Từ trường của Mặt trăng cũng tác động tới hoạt động của thủy triều trên Trái đất.

Thời gian để Mặt trăng quay một vòng quanh trục bằng với thời gian nó quay một vòng quỹ đạo quanh Trái đất, tức là khoảng 27 ngày. Do đó, Mặt trăng luôn quay cùng một bán cầu về phía Trái Đất.

Nhật thực xảy ra khi Mặt trăng nằm ở vị trí giữa Trái đất với Mặt trời và 3 thiên thể này thẳng hàng với nhau.

Toàn cảnh hiện tượng nhật thực

Nhiều nhiệm vụ thám hiểm khác nhau được triển khai trên Mặt trăng đều không tìm thấy bằng chứng gì của sự sống, nhưng điều này không có nghĩa là con người trong tương lai sẽ không tới đây sinh sống trong tương lai.

Hình ảnh Mặt trăng trên nền Trái Đất do NASA chụp

Hình ảnh Mặt trăng trên nền Trái đất

Mùa Hè năm 2015, NASA đã công bố những hình ảnh tuyệt vời về cảnh tượng Mặt trăng đi qua giữa máy ảnh EPIC trên tàu vũ trụ DSCOVR và Trái Đất được quan sát từ khoảng cách 1 triệu dặm so với Trái Đất.

Những bức ảnh này được chụp trong khoảng từ 3 giờ 50 đến 8 giờ 45 ngày 16/7/2015 theo múi giờ miền Đông nước Mỹ (EDT), ghi lại cảnh Mặt trăng đi qua biển Thái Bình Dương gần Bắc Mỹ.

NASA cho biết máy ảnh sẽ có thể tiếp tục chụp được những bức ảnh chung của Trái Đất và Mặt trăng 2 lần mỗi năm khi máy ảnh bắt đầu quá trình quan sát thường xuyên vào tháng sau.

NASA cho biết phía bên kia của Mặt trăng không có “những đồng bằng bazan rộng lớn và tối tăm mà chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ở mặt quay về phía Trái Đất của Mặt trăng.”

Ngoài ra, mặt kia của Mặt trăng còn có vùng tối Mare Moscoviense ở góc trên bên trái và miệng núi Tsiolkovskiy ở phía dưới bên trái.

“Thật ngạc nhiên khi nhìn thấy Trái Đất sáng hơn Mặt trăng tới mức nào,” Adam Szabo, nhà khoa học thuộc dự án DSCOVR tại Trung tâm Goddard của NASA ở Greenbelt, bang Maryland, Mỹ chia sẻ.

“Hành tinh của chúng ta thực sự là một vật thể sáng rực trong không gian tăm tối so với bề mặt của Mặt trăng.”

Bản Kinh thánh siêu nhỏ từng được đem lên Mặt trăng

Những thú vị về Mặt trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất ảnh 1(Nguồn: Daily Mail)

Một bản Kinh thánh siêu nhỏ - có độ lớn 1,5 inch (3,81cm) và chỉ có thể đọc được qua kính hiển vi - đã từng được mang lên Mặt trăng  vào ngày 5/2/1971 bởi phi hành gia Edgar Mitchell.

Cuốn Kinh thánh này là một trong số 512 bản in của Hiệp hội những người cầu nguyện cho tàu Apollo, một nhóm những người theo đạo có liên quan tới chương trình khám phá vũ trụ này.

Những bản in siêu nhỏ này được làm ra sau sự cố của tàu Apollo khi một ngọn lửa bùng lên trong tàu khi đang phóng thử nghiệm và giết chết 3 phi hành gia. Một trong số họ, Ed White đã từng mơ ước được mang Kinh thánh lên vũ trụ, vậy nên Hiệp hội đã quyết định thực hiện mong muốn này.

Họ dùng công nghệ đặc biệt thu nhỏ cuốn Kinh thánh 1.245 trang thành một bản in có độ lớn chỉ còn 1,5 inch (3,81cm). Những bản in này sau đó đã được gửi theo tàu Apollo 12 và 13, nhưng cả hai lần đều không đưa chúng lên Mặt trăng thành công.

Công việc cuối cùng cũng được hoàn thành khi tàu Apollo 14 thành công trong việc đưa các phi hành gia đặt chân lên Mặt trăng.

Phi hành gia Mitchell đã cùng 100 bản in Kinh thánh và những món đồ khác trong một chiếc túi nhỏ đặt chân lên Mặt trăng vào ngày 5/2/1971./.

(Vietnam+)