Niềm hy vọng mới cho hợp tác công nghiệp vũ trụ Mỹ-Australia

Canberra đã tuyên bố một cam kết trị giá 150 triệu AUD (101 triệu USD) để hỗ trợ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trong chiến dịch đưa Mỹ trở lại Mặt Trăng và nghiên cứu Sao Hỏa.
Niềm hy vọng mới cho hợp tác công nghiệp vũ trụ Mỹ-Australia ảnh 1Thủ tướng Australia Scott Morrison (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AP)

Trong khuôn khổ cuộc gặp của Thủ tướng Australia Scott Morrison với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 22/9, Canberra đã tuyên bố một cam kết trị giá 150 triệu AUD (101 triệu USD), đi kèm với việc cung cấp nhiều nền tảng công nghệ mới cho các doanh nghiệp trong nước, để hỗ trợ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trong chiến dịch đưa Mỹ trở lại Mặt Trăng và nghiên cứu Sao Hỏa.

Nhận định về thông tin này, phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài viết của giáo sư Andrew Dempster, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Vũ trụ Australia, được đăng trên trang The Convesation, cho rằng khoản tiền 150 triệu AUD nên được tách biệt với khoản đầu tư trị giá 245 triệu AUD vào Trung tâm nghiên cứu hợp tác Smartsat của Xứ sở Kangaroo và 4,5 triệu AUD cho Trung tâm Cubesats, UAV và Ứng dụng.

[Australia chi 100 triệu USD phối hợp NASA phát triển công nghệ vũ trụ]

Cả hai trung tâm này đều đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu áp dụng các ứng dụng từ ngoài không gian để quan sát Trái Đất.

Cũng theo giáo sư, khoản tài trợ mới cũng nên được tách biệt với cam kết về hai sáng kiến của Cơ quan Vũ trụ Australia (ASA), bao gồm 6 triệu AUD cho Trung tâm Kiểm soát Nhiệm vụ (MCC) tại khu vực Nam Australia và 4,5 triệu AUD cho Trung tâm Điều khiển và Chỉ huy Trí tuệ Nhân tạo, Tự động hóa và Trí tuệ Nhân tạo (RAAICCC) tại khu vực Tây Australia.

Nguyên nhân là hai trung tâm này có những hoạt động khá tương tự đối với các hoạt động hỗ trợ chiến dịch chinh phục Mặt Trăng và Sao Hỏa.

Trong khi đó, việc phân bổ tài trợ cũng không nên bao gồm số tiền đã được Tổ chức nghiên cứu Khoa học công nghệ Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) cam kết cho các dự án không gian theo sáng kiến Nền tảng khoa học tương lai của Công nghệ vũ trụ.

Hai sáng kiến chính của NASA trong dự án nghiên cứu Mặt Trăng thời gian tới có tên là Lunar Gateway và Dự án Artemis. Cả hai sáng kiến này đều bao gồm các cam kết hỗ trợ của Australia.

Sứ mệnh khảo sát Sao Hỏa sẽ là chiến dịch dài hơi và Mặt Trăng sẽ được ưu tiên trong các dự án vũ trụ trước mắt của NASA.

Lunar Gateway là sáng kiến về cơ sở hạ tầng, bao gồm một tàu vũ trụ được đặt trong quỹ đạo quầng (luôn luôn ở trong tầm nhìn của Trái đất), cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 3.000 km. Con tàu này sẽ được sử dụng như một trung tâm cho các phi hành gia, thiết bị và thông tin liên lạc và một vị trí tiếp nối cho các cuộc đổ bộ và thám hiểm Mặt Trăng.

Dự án Artemis đặt mục tiêu sử dụng loại tên lửa lớn mới của NASA là Space Launch System để đưa các phi hành gia, bao gồm cả dự án đưa người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào năm 2024. Dự án sẽ phát triển một loạt các công nghệ mới và hợp tác công khai với các quốc gia khác trên thế giới.

Yếu tố quan trọng trong cả hai sáng kiến trên của NASA là những công nghệ hiện đại đến từ ngành công nghiệp khai thác thống trị của Australia. Đó là sức mạnh về công nghệ rô-bốt, tự động hóa và điều khiển từ xa đang được phát triển tại Trung tâm RAAICCC đặt tại khu vực Tây Australia.

Thêm vào đó, các hoạt động điều khiển từ xa đối với thiết bị trong không gian và trên trái đất của Australia (một sự hợp tác công nghiệp rộng khắp đã được đưa ra vào tháng Bảy) cũng có khả năng được đặt trụ sở tại khu vực Tây Australia.

Một lĩnh vực khác mà Australia đang phát triển công nghệ là khả năng kết nối quang học với tàu vũ trụ, được phát triển và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU).

Tại một hội thảo gần đây của CSIRO, ý tưởng sử dụng tia laser để kết nối nhanh đến Mặt Trăng và ngược lại được đánh giá cao.

Niềm hy vọng mới cho hợp tác công nghiệp vũ trụ Mỹ-Australia ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: NASA)

Trong số 9 sáng kiến đang được xem xét, có tới 7 sáng kiến có khả năng liên quan đến khoản tiền tài trợ mới. Chúng bao gồm một vệ tinh thời tiết không gian, một hệ thống phát hiện tiểu hành tinh, đặt các tiểu vệ tinh (CubeSat) lên sao Hỏa, một kính phóng xạ trên Mặt Trăng và một cánh buồm Mặt Trời có thể cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. Các ý tưởng này đều được đánh giá cao.

Sáng kiến được cho là thực tế nhất là đặt một vệ tinh có quỹ đạo bay quanh Mặt Trăng, đồng thời thiết kế một tàu đổ bộ, xe tự hành nhằm mục đích thu thập nước từ các khối băng vĩnh cửu tại Mặt Trăng.

Nước có thể được sử dụng cho nhiều mục đích của sự sống và khi phân tách thành hydro và ôxy, có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa để di chuyển đến các hành tinh xung quanh, bao gồm cả Sao Hỏa.

Tất cả các nghiên cứu trong lĩnh vực này đã tập trung vào cách thức có thể được thực hiện theo cách thương mại, phù hợp với triết lý của chiến dịch Space 2.0. Australia hiện đang tập hợp một nhóm các học giả, công ty quan trọng (không chỉ khai thác và không gian) và các cơ quan để theo đuổi những nhiệm vụ này một cách nghiêm túc.

Ngành công nghiệp vũ trụ Australia đang phát triển mạnh mẽ với sự hợp tác mới này với phía Mỹ. Các nhà khoa học Australia hy vọng sự hợp tác mới là một bước quan trọng trong việc thiết lập ngành công nghiệp vũ trụ bền vững tại Australia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục