Ninh Thuận tiến hành cứu hộ và thả hơn 900 rùa con về biển

Các nhân viên đã cứu hộ Ninh Thuận thành công và thả hơn 900 rùa con về biển, gồm rùa xanh, đồi mồi và quản đồng có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ninh Thuận tiến hành cứu hộ và thả hơn 900 rùa con về biển ảnh 1Kiểm tra rùa biển lên bãi đẻ. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Phòng Bảo tồn biển - Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) cho biết từ đầu tháng 6/2016 đến nay, có hơn 70 lượt rùa biển vào bờ đào cát làm 21 tổ đẻ trứng (1.400 trứng).

Các nhân viên đã cứu hộ thành công và thả hơn 900 rùa con về biển. Các cá thể này thuộc bộ rùa biển gồm rùa xanh, đồi mồi và quản đồng có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Khu vực bãi Ngang, bãi Thịt (Vườn quốc gia Núi Chúa) là nơi rùa biển thường lên đẻ trứng vào mùa sinh sản. Đây là nơi duy nhất ở đất liền và khu vực thứ hai ở Việt Nam (sau Vườn quốc gia Côn Đảo) có quần thể rùa biển đến sinh sản.

Ông Phạm Anh Dũng - Phó trưởng phòng Bảo tồn biển, Vườn quốc gia Núi Chúa - cho biết khoảng thời gian từ tháng 6-10 hàng năm là mùa cao điểm sinh sản của rùa biển. Năm nay do mưa sớm, độ ẩm thích hợp ở các bãi biển để rùa đến đẻ trứng nên số lượng rùa đẻ trứng nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Trong khoảng thời gian rùa đẻ trứng, các nhân viên của vườn thường xuyên tuần tra, theo dõi các hoạt động, bảo vệ rùa biển lên bãi đẻ, cứu hộ rùa con thả về biển...

Theo thống kê giai đoạn từ năm 2008-2015, dự án bảo tồn rùa biển Vườn quốc gia Núi Chúa đã cứu hộ thành công gần 6.000 cá thể rùa con và thả về biển; tiếp nhận 25 cá thể rùa biển trưởng thành để cứu chữa và thả về biển.

Ninh Thuận tiến hành cứu hộ và thả hơn 900 rùa con về biển ảnh 2 Rùa con được nuôi trong môi trường nhân tạo đảm bảo đủ điều kiện sinh sống trước khi thả ra môi trường tự nhiên. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tháng 6/2016, khu cứu hộ rùa biển bán nhân tạo được thành lập nhằm cứu hộ, chữa trị, phục hồi chức năng, nuôi huấn luyện các cá thể sinh vật, rùa bị nuôi nhốt, đánh bắt, đảm bảo đủ điều kiện trước khi thả ra môi trường tự nhiên.

Ông Phạm Anh Dũng cho biết số lượng rùa biển đang bị suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân như đánh bắt rùa biển để lấy thịt; trứng và mai bán cho khách du lịch hay tán làm thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, hoạt động đánh bắt có tính hủy diệt như khai thác san hô, đánh mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của rùa biển.

Một lượng lớn rùa biển bị chết do vô tình mắc vào lưới đánh cá của ngư dân khiến chúng không thể ngoi lên mặt nước để thở và dần chết ngạt. Bãi đẻ và nguồn thức ăn của rùa biển ngày càng thu hẹp do các hoạt động xây dựng các công trình, ô nhiễm môi trường.

Vườn quốc gia Núi Chúa xây dựng phương án quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn biển giai đoạn 2016-2020 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt. Trong đó, có kế hoạch hoạt động bảo tồn rùa biển nhằm duy trì và bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nơi quần cư của các loài sinh vật, phát triển kinh tế và du lịch sinh thái; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng và các bên liên quan cùng tham gia vào hoạt động bảo tồn rùa biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục