Nợ công tàn phá châu Âu

Nợ công đang tàn phá “mái nhà chung” châu Âu

Cuộc khủng hoảng nợ công đang tàn phá “mái nhà chung” châu Âu, cản trở đà phục hồi vốn đã mong manh của nền kinh tế thế giới.
Xuất hiện vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đã tạm lắng, cuộc khủng hoảng nợ công đang tàn phá “mái nhà chung” châu Âu, cản trở đà phục hồi vốn đã mong manh của nền kinh tế thế giới.

Dù các “thày thuốc” trong và ngoài khu vực đang phối hợp “bắt mạch-kê đơn”, song “căn bệnh” nợ công vẫn đang ám ảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực đồng euro.

“Mầm bệnh” bắt nguồn từ Hy Lạp, quốc gia có mức nợ công cao nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), tương đương 144% GDP năm 2010. Đây là hậu quả của thói quen “vung tay quá trán” của người dân Hy Lạp cũng như thuật “tô hồng” thống kê kinh tế của Athens những năm trước đây, nhằm đáp ứng các tiêu chí gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Việc Ireland vỡ nợ không lâu sau Hy Lạp, bất chấp quốc đảo này có nền tài chính từng được cho là lành mạnh, có nguồn ngân sách quốc gia dồi dào, lại được coi là hình mẫu về tăng trưởng trong EU, cho thấy nợ công đã trở thành “căn bệnh truyền nhiễm” có khả năng lây lan nhanh.

Các khoản trợ giúp hàng trăm tỷ euro phối hợp giữa EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho hai “con bệnh” trên cùng những phản ứng tiêu cực trên thị trường tài chính thế giới thời gian qua chứng tỏ lãnh đạo EU, IMF và thị trường tài chính thực sự lo ngại nợ công có thể bùng phát thành “đại dịch” trong toàn khu vực.

Trên thực tế, các con số thống kê của IMF về tình hình kinh tế EU cho thấy nguy cơ đó đã thực sự hiện hữu. Tổng nợ công của EU có thể lên tới 100% GDP vào năm 2014; tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2% năm 2010 và 1,5% năm 2011; trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức cao kỷ lục 8,3% và có khả năng tiếp tục tăng.

Với mức nợ công “chẳng kém ai”, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Italy được dự báo có thể là những “con bệnh” tiếp theo. Ảm đạm hơn, những “đàn anh” về trình độ quản trị quốc gia trong EU như Anh, Đức cũng đang có nguy cơ vướng vào bẫy nợ công.

Với tỷ trọng xấp xỉ 20% GDP toàn cầu từ nay đến năm 2014 theo tính toán của IMF, EU sẽ tiếp tục giữ vị trí một trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính quan trọng hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, nếu chẳng may xảy ra một cuộc đổ vỡ trong EU thì nó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho nền kinh tế thế giới.

Giới phân tích nhận định nếu không được ngăn chặn kịp thời, khả năng bệnh nợ công vượt ra khỏi Đại Tây Dương và gây ra một cuộc đổ vỡ mới ở Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. Đầu tàu kinh tế thế giới có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế và tài chính với EU, nhưng lại đang là “chúa chổm” lớn nhất thế giới với mức nợ công năm 2010 dự kiến lên tới 12.500 tỷ USD.

Những diễn biến nguy hiểm tại châu Âu cũng tác động không nhỏ tới châu Á do khu vực này phụ thuộc quá lớn vào nhu cầu từ bên ngoài. Trên bình diện quốc tế, IMF cảnh báo nợ công của toàn cầu trong năm 2010 có thể lên tới hơn 40.000 tỷ USD, phần lớn các con nợ thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-7).

Đến năm 2014, nợ công của các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) có thể lên tới 118% GDP. Một khi bùng phát thành “đại dịch” toàn cầu, căn bệnh nợ công khó tránh khỏi để lại “di chứng” là sự tụt dốc về tăng trưởng kinh tế thế giới, từ đó làm phát sinh khủng hoảng xã hội.

Giới chuyên gia kinh tế đã “mổ xẻ” nguyên nhân xuất hiện bệnh nợ công cũng như sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh này. Theo họ, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đang chất lên vai các nước gánh nặng nợ nần do phải đi vay để chi tiêu và kích thích kinh tế. Đây được coi là nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân nội tại mới là gốc rễ.

Trước hết, nợ công là hậu quả của chính sách tiền tệ siêu quốc gia thống nhất của EU, được xây dựng dựa trên cơ sở phối hợp các chính sách kinh tế của các nước nhưng không tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển của mỗi nước thành viên. Điều đó khiến cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh ở những nước có vấn đề về tài chính tại Nam Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trở nên khó khăn.

Một tác nhân khác là sự tích lũy những khoản nợ lớn do thói quen xài sang của người dân nhiều nước châu Âu. Các hộ gia đình thích vay tín dụng thế chấp để tiêu dùng, trong khi các ngân hàng lại vung tay cho vay và mua cổ phiếu bằng nguồn tiền từ bên ngoài và các nhà nước thì lỏng lẻo trong khâu quản lý ngân sách.

“Mái nhà chung” châu Âu được xây dựng trên ba trụ cột “hòa bình-tăng trưởng-liên kết." Một trụ cột sụp đổ sẽ khiến hai trụ cột còn lại bị lung lay. Để ngăn chặn viễn cảnh ảm đạm trên, liều thuốc đầu tiên mà EU, IMF đưa ra là cứu trợ đi kèm với giải pháp hạn chế chi tiêu của các chính phủ.

Các nước mạnh sẽ phải hỗ trợ các nước yếu, trong khi các nước yếu phải tự khắc phục những sai lầm. Dù không thể tránh khỏi tác dụng phụ là hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, song liều thuốc này trước mắt tạm được coi là “át chủ bài” cho căn bệnh nợ công.

Ngoài ra, một loạt liều thuốc khác cũng được “kê đơn” như thiết lập cơ chế cứu trợ dài hạn, siết chặt kỷ cương ngân sách và tăng mức trừng phạt đối với những nước vi phạm mức trần nợ công và thâm hụt ngân sách.

Có thể nói việc EU sẵn sàng huy động các loại “biệt dược” như sửa đổi Hiệp ước Lisbon để thành lập quỹ cứu trợ thường trực đối với các quốc gia khu vực đồng euro, thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng, mua lại trái phiếu chính phủ và cơ cấu lại nợ, …chứng tỏ những nỗ lực và quyết tâm của tổ chức này với hy vọng không để nợ công làm chao đảo và kéo sập “mái nhà chung” châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục