Theo Reuters, theo các nguồn tin tại New Delhi tiết lộ với Reuters, các sỹ quan tình báo hàng đầu từ Ấn Độ và Pakistan đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật tại Dubai vào tháng 1/2021 trong một nỗ lực mới nhằm xoa dịu căng thẳng quân sự tại khu vực tranh chấp Kashmir trên dãy Himalaya.
Mối quan hệ giữa hai nước đối thủ đều sở hữu vũ khí hạt nhân đã đóng băng kể từ khi một vụ đánh bom liều chết nhằm vào một đoàn xe quân sự Ấn Độ ở Kashmir hồi năm 2019 do các tay súng có trụ sở tại Pakistan gây ra đã dẫn đến việc Ấn Độ phải điều động máy bay chiến đấu đến Pakistan.
Cuối năm đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tước bỏ quyền tự trị tại khu vực Kashmir do Ấn Độ cai trị để thắt chặt quyền kiểm soát lãnh thổ này, một động thái kích động sự phẫn nộ ở Pakistan, dẫn đến việc hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ quan hệ thương mại song phương.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết hai chính phủ đã mở lại một kênh ngoại giao nhằm hướng tới lộ trình bình thường hóa quan hệ trong vài tháng tới. Kashmir từ lâu đã là một điểm nóng giữa Ấn Độ và Pakistan, cả hai đều tuyên bố chủ quyền tại khu vực này nhưng chỉ kiểm soát một phần.
Theo hai nguồn tin, các quan chức từ Cơ quan Nghiên cứu và Phân tích Ấn Độ (cơ quan tình báo nước ngoài) và Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đã đến Dubai để tiến hành một cuộc họp được chính phủ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hỗ trợ.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã không trả lời yêu cầu bình luận. Quân đội Pakistan, lực lượng kiểm soát ISI, cũng không đưa ra phản hồi. Tuy nhiên, Ayesha Siddiqa, một nhà phân tích quốc phòng hàng đầu của Pakistan, cho biết bà tin rằng các quan chức tình báo Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành cuộc họp trong vài tháng qua ở các nước thứ ba. Bà nói: "Tôi nghĩ họ đã có các cuộc họp ở Thái Lan, Dubai, hay London giữa các quan chức cấp cao nhất."
Những cuộc họp như vậy cũng từng diễn ra trong quá khứ, đặc biệt trong thời kỳ xảy ra các cuộc khủng hoảng nhưng chưa bao giờ được thừa nhận một cách công khai. Một trong hai nguồn tin cho biết: "Hiện vẫn còn nhiều điều có thể dẫn tới sai sót, đó là điều đáng quan ngại. Đó là lý do tại sao không ai đề cập đến nó một cách công khai, chúng tôi thậm chí không gọi tên cụ thể hoạt động đó, nó không phải là một tiến trình hòa bình. Bạn có thể gọi đó là sự tương tác trở lại."
Cả hai quốc gia đều có lý do để tìm kiếm sự tái lập quan hệ. Ấn Độ đã bị kẹt trong cuộc đối đầu ở biên giới với Trung Quốc kể từ năm ngoái và không muốn quân đội của mình phải dàn quân sang mặt trận Pakistan.
[Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực Kashmir]
Theo các chuyên gia, Pakistan, đồng minh của Trung Quốc, vốn sa lầy trong khó khăn kinh tế và một chương trình cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có thể không đủ khả năng đối phó với căng thẳng tại biên giới Kashmir trong một thời gian dài. Họ cũng phải ổn định biên giới với Afghanistan ở phía Tây khi Mỹ rút quân.
Myra MacDonald, cựu phóng viên Reuters, người vừa xuất bản một cuốn sách về Ấn Độ, Pakistan và cuộc chiến biên giới tại Kashmir, nói: "Việc Ấn Độ và Pakistan cùng nhau đối thoại vẫn tốt hơn là giữ im lặng, và tốt hơn nữa là nó nên được thực hiện một cách lặng lẽ hơn là một cách công khai… Tuy nhiên, tôi nhận thấy họ chưa vượt ra ngoài khuôn khổ kiểm soát căn bản các vấn đề. Có lẽ để hai bên vượt qua giai đoạn khó khăn, Pakistan cần giải quyết ảnh hưởng từ việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, trong khi Ấn Độ phải đối đầu với một tình hình biến động hơn nhiều tại khu vực biên giới tranh chấp của họ với Trung Quốc."
Sau cuộc họp hồi tháng 1/2021, Ấn Độ và Pakistan đã tuyên bố ngừng bắn xuyên biên giới dọc theo Đường kiểm soát (LoC) chia cắt Kashmir từng khiến hàng chục dân thường thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Theo quan chức hai nước, lệnh ngừng bắn đó vẫn đang được thực thi.
Cả hai bên cũng báo hiệu kế hoạch tổ chức bầu cử ở cả hai khu vực tại Kashmir trong năm nay như một phần của nỗ lực mang lại trạng thái bình thường cho khu vực bị tàn phá sau nhiều thập kỷ đổ máu.
Theo các nguồn tin, hai bên cũng nhất trí giảm bớt thái độ hung hăng, theo đó Pakistan sẽ không lớn tiếng phản đối việc ông Modi hủy bỏ quyền tự trị của Kashmir hồi tháng 8/2019, trong khi New Delhi sẽ kiềm chế và không đổ lỗi cho Pakistan về những vụ bạo lực tại khu vực của họ bên trong LoC.
Những chi tiết này trước đây chưa từng được báo cáo. Ấn Độ từ lâu đã đổ lỗi cho Pakistan về cuộc nổi dậy ở Kashmir, một cáo buộc mà Pakistan phủ nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kế hoạch lớn nào để giải quyết tranh chấp kéo dài 74 năm qua tại Kashmir. Thay vào đó, theo các nguồn tin, hai bên đang cố gắng giảm bớt căng thẳng để mở đường cho một sự tương tác lớn hơn.
Raoof Hasan, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, nói với Reuters: “Pakistan đang chuyển đổi từ một khu vực chiến lược về địa lý sang khu vực chiến lược về địa kinh tế. Hòa bình, cả bên trong và xung quanh với các nước láng giềng, là chìa khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu đó"./.