Nợ xấu sẽ được xử lý như thế nào trong thời gian sắp tới?

Mặc dù Nghị quyết 42 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu nhưng các tổ chức tín dụng và VAMC vẫn gặp nhiều khó khăn...
Nợ xấu sẽ được xử lý như thế nào trong thời gian sắp tới? ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sau một năm triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết này đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về lĩnh vực này, tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy hoạt động mua bán nợ trên thị trường đã trở nên sôi động hơn khi hàng loạt ngân hàng rầm rộ công bố thông tin đấu giá tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và một số ngân hàng cũng cho biết vẫn còn số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quá trình tố tụng thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo…

Nợ xấu được rao bán rầm rộ

Nếu như trước đây, việc thông báo bán đấu giá tài sản thường im ắng, chỉ có các bên liên quan biết với nhau. Lý do ở đây là các ngân hàng lo ngại con số nợ xấu bị lộ ra, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu và đánh giá tín nhiệm.

Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 42 ra đời, tài sản thế chấp hầu hết đều được các ngân hàng thông báo rộng rãi trên cổng thông tin của mình và cổng thông tin VAMC.

VAMC đã nổ phát súng đầu tiên về thu giữ khối tài sản đảm bảo khổng lồ của dự án Saigon One Tower với mức giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Tiếp đến là các ngân hàng cũng dồn dập rao bán đấu giá các tài sản.

Dạo qua một vòng các trang thông tin của các ngân hàng cũng như VAMC đều thấy công khai bán đấu giá các tài sản đảm bảo do bên vay không trả được nợ sau nhiều lần được ngân hàng gia hạn.

Ngày 27/7, VAMC thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm khoản nợ của Công ty cổ phần Xi măng Puzơlan Gia Lai tại SHB là toàn bộ máy móc thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất xi măng Puzơlan Gia Lai gắn liền với 44.814m2 đất tại tỉnh Gia Lai. Giá khởi điểm là trên 16 tỷ đồng.

Hay như ngày 9/8, VAMC đã thông báo bán đầu giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của Công ty Thành phố Vàng (Agribank) đã bán nợ sang VAMC với mã trái phiếu đặc biệt VAMC B-0507622 là quyền sử dụng 7.851m2 đất tại phường Phú Hữu, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Giá khởi điểm là 84,792 tỷ đồng.

Tương tự, hàng loạt chi nhánh của Agribank, VietinBank, Techcombank, MB, NCB… cũng thông báo tăng cường thu hồi tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu để thu hồi nợ.

Nghị quyết 42 càng có ý nghĩa hơn khi Sacombank là ngân hàng đầu tiên công bố đã thành công trong việc xử lý tài sản đảm bảo bằng việc bán đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác trong việc chuyển nhượng 3 tài sản bất động sản lớn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An, với tổng trị giá hợp đồng là 9.200 tỷ đồng. Sacombank đã nhận đủ tiền đặt cọc là 920 tỷ đồng, số tiền còn lại 8.280 tỷ đồng sẽ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày hợp đồng được ký, đồng thời ân hạn hai năm đầu và phí trả chậm 7,5%/năm.

Như vậy, sau 3 lần công khai bán đấu giá, đồng thời giảm giá bán gần 900 tỷ đồng so với mức giá ban đầu, cuối cùng Sacombank cũng đã bán được khối tài sản liên quan đến các khoản nợ xấu tồn đọng và có thể thu hồi dần số tiền 9.200 tỷ đồng.

Đây có thể xem là một trong những trường hợp tiêu biểu nhất trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng thương mại kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42. Một số cuộc đấu giá khác cũng đã thành công nhưng với số tiền ít hơn nhiều.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu tin tưởng, việc xử lý nợ xấu thông qua thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo đang được xử lý mạnh. Lý do là Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ nợ của ngân hàng và VAMC, cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án và cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách.

Thực tế, theo thông tin của một số ngân hàng, trước đây, nhiều doanh nghiệp chây ỳ, vin cớ đang tranh chấp nội bộ, người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt... để không bàn giao tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực và VAMC thu giữ khoản nợ đầu tiên, một số khách hàng đã tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng.

Với sự vào cuộc quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã giảm xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được gần 100.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó).

Nợ xấu sẽ được xử lý như thế nào trong thời gian sắp tới? ảnh 2Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn One Tower tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố. Hồ Chí Minh vẫn đang trong quá trình đàm phán. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ

Không được may mắn như Sacombank, hiện nay hàng chục dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, với giá trị từ vài trăm tỷ đồng đến vài chục nghìn tỷ đồng vẫn đang được các tổ chức tín dụng tích cực rao bán, tuy nhiên để tìm được người mua chẳng dễ dàng chút nào. Điển hình là dự án Saigon One Tower mặc dù có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tin chính thức. Hoặc có dự án bán được rồi nhưng lại không thể thu hồi.

Lấy dẫn chứng về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc Agribank Trần Văn Dự cho biết, mặc dù Bộ Tài chính có văn bản về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc Hội, tuy nhiên nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, vì vậy vẫn còn đó khó khăn khi bán tài sản đảm bảo là vấn đề thuế. Bán tài sản đảm bảo xong rồi nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng. Do đó, theo ông Dự, cần phải có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá tài sản đảm bảo.

Đồng quan điểm trên đại diện lãnh đạo Vietcombank cho rằng, Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận tài sản đảm bảo. Mặc dù vậy, khi khách hàng cố tình chống đối thì các tổ chức tín dụng vẫn phải khởi kiện khách hàng ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được quyền xử lý tài sản đảm bảo thông qua thi hành án. Như vậy, các tổ chức tín dụng chỉ thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản đảm bảo không có tranh chấp; tài sản đảm bảo là đất trống …Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.

Còn ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC cũng dẫn chứng, trường hợp khách hàng vay có nợ xấu tại VAMC hoặc tổ chức tín dụng, thế chấp tài sản đảm bảo là tài sản hình thành trong tương lai hoặc các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng bất động sản, khi khách hàng không hợp tác, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, VAMC/tổ chức tín dụng không thể áp dụng biện pháp thu giữ tài sản đảm bảo. Việc xử lý phải thông qua hoạt động khởi kiện, trong trường hợp có bản án thì việc thi hành để phát mại tài sản là quyền tài sản cũng rất khó khăn.

“Theo các quy định hiện nay, việc chuyển nhượng các bất động sản là dự án còn dở dang vẫn áp dụng theo Luật kinh doanh bất động sản. Theo đó, khi chuyển nhượng các bất động sản này phải có sự đồng ý của bên thế chấp, gây khó khăn cho VAMC khi xử lý tài sản này trong trường hợp khách hàng, bên thế chấp không hợp tác. Vì vậy, để xử lý được các bất động sản là dự án còn dở dang theo Nghị định 42, VMAC kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể áp dụng thống nhất tại các địa phươngkhi xử lý tài sản đảm bảo theo Nghị định 42,” ông Thắng kiến nghị.

Là người tìm hiểu sâu về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cũng cho rằng, dù việc triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có bước đầu khả quan, tuy nhiên vẫn còn có nhiều khó khăn vướng mắc như sự vào cuộc của chính quyền, các cơ quan hữu quan còn thiếu quyết liệt và đồng bộ, đặc biệt trong khâu thu giữ tài sản đảm bảo, hoạt động thi hành án trong xử lý nợ xấu ngân hàng chưa hiệu quả và còn lúng túng. Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ gia tài sản đảm bảo và xử lý tài sản đảm bảo chưa phát huy hiệu quả trong thực tế là do chậm ban hành văn bản hướng dẫn.

Ông Đức cũng kiến nghị, thời gian tới, VAMC và các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường năng lực quản trị điều hành để hạn chế phát sinh nợ xấu./.

Nghị quyết 42 - đòn bẩy xử lý nợ xấu. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục