Hiệu quả xử lý nợ tăng 50% so với thời điểm chưa có Nghị quyết 42

Ông Đông cho biết, Nghị quyết 42 mới có hiệu lực gần một năm, nhưng riêng trong năm 2017 kết quả thu hồi nợ đã tăng mạnh so với 2016 và những năm trước đó.
Hiệu quả xử lý nợ tăng 50% so với thời điểm chưa có Nghị quyết 42 ảnh 1Nợ xấu đã được xử lý triệt để hơn kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

“Nghị quyết 42 mới có hiệu lực gần một năm, nhưng riêng trong năm 2017 kết quả thu hồi nợ đã tăng mạnh so với 2016 và những năm trước đó. Hiệu quả xử lý nợ đã tăng gấp rưỡi so với thời điểm chưa có Nghị quyết 42.” Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết như vậy tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng với chủ đề “Ngân hàng 2018: Hướng tới Phát triển bền vững” ngày 8/5, tại Hà Nội.

Xử lý nợ xấu tăng 50%

Tại diễn đàn, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt, đồng bộ của toàn ngành ngân hàng, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: sự ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững và từng bước cải thiện, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng từng bước cải thiện.

Bên cạnh đó, số lượng các tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần; sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước quan trọng; khung pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được tập trung hoàn thiện, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn; nợ xấu tiếp tục được kiểm soát hiệu quả và duy trì ở mức dưới 3%…

[Tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm, đạt 5% trong 4 tháng]

Cũng theo ông Huyền Anh, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sau gần một năm triển khai Đề án 1058 và Nghị quyết 42, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 3/4 ngân hàng thương mại nhà nước; các ngân hàng thương mại cổ phần tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát, đảm bảo hoạt động an toàn, đúng pháp luật. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản phê duyệt phương án cơ cấu lại của 9/10 ngân hàng nước ngoài và liên doanh. Ngoài ra, các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính tích cực xây dựng các phương án cơ cấu lại theo các giải pháp của Đề án 1058 để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh và phù hợp với đặc thù hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực, chủ động của các tổ chức tín dụng trong kiềm chế và xử lý nợ xấu, đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 42, (tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối năm 2017 đã giảm hơn so với mức 2,46% cuối năm 2016).

“Có thể nói trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu theo Quyết định 1058, Nghị quyết 42 đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bài bản, khoa học theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ..., tiếp tục đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần giữ vững sự ổn định và hoạt động an toàn hệ thống ngân hàng nói riêng, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế nói chung,” ông Huyền Anh nhấn mạnh.

[Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường xử lý nợ xấu]

Chia sẻ thêm về việc thu hồi nợ xấu, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết: Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong công tác xử lý và thu hồi nợ xấu. Việc đầu tiên mà nghị quyết này làm được, tạo ra đột biến là tạo thay đổi tích cực trong quan niệm, tư duy về nợ xấu. Chuyển từ quan niệm nợ xấu của ngành ngân hàng, sang nợ xấu của nền kinh tế. Vì thế, các tổ chức tín dụng chủ động và tự tin hơn trong xử lý nợ xấu và thể hiện được quyền chủ nợ trong quan hệ vay trả.

Cũng từ nhận thức này, các bộ ngành thời gian qua đã cùng vào cuộc giải quyết nợ xấu cho ngân hàng, nhằm giải phóng, tái tạo nguồn lực mới, tái đầu tư vào nền kinh tế.

Theo đó, ông Đông cho biết, Nghị quyết 42 mới có hiệu lực gần một năm, nhưng riêng trong năm 2017 kết quả thu hồi nợ đã tăng mạnh so với 2016 và những năm trước đó. Hiệu quả xử lý nợ đã tăng gấp rưỡi so với thời điểm chưa có Nghị quyết 42. Đặc biệt, Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ hơn 1 quý trong năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây.

“Chúng tôi yêu cầu lực lượng cán bộ phải xuống trực tiếp cùng với các tổ chức tín dụng, cán bộ VAMC trực tiếp gặp khách hàng để nắm rõ thực trạng, hiểu rõ nguyên nhân để đưa ra phương án xử lý phù hợp với từng khoản nợ. Nợ xấu muôn hình vạn trạng, muốn xử lý được phải hiểu được nó,” ông Đông cho biết.

Chuyên gia Cấn Văn Lực thì nhấn mạnh đến một số thành quả của quá trình xử lý nợ xấu, thứ nhất là không để xảy ra đổ vỡ có hệ thống. Đây là bài toán rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta ngân sách hạn hẹp, nguồn lực hạn chế, xử lý nhiều vấn đề cùng lúc như tái cơ cấu nợ xấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công.

Thứ hai là hệ thống đã lành mạnh hơn trước. Ông Lực phân tích, tháng 9/2012, nợ xấu cả nộ bảng và ngoại bảng ở mức 17,2% và đến nay, con số nợ xấu đã công bố khoảng 7,4%, cuối năm nay khoảng 6%. Với đà này, tôi cho là với mục tiêu của năm 2018, cả 3 loại nợ xấu có thể đẩy xuống dưới 3,5% năm 2020.

Điểm nữa là câu chuyện liên quan đến quản lý quản trị điều hành minh bạch hơn, nhiều ngân hàng liên kết hơn, sở hữu chéo đã giảm rất rõ. Đặc biệt, luật mới đã yêu cầu lãnh đạo ngân hàng không được phép kiêm nhiệm đối với lãnh đạo doanh nghiệp và rất nhiều lãnh đạo ngân hàng đã chấp hành nghiêm túc.

Hiệu quả xử lý nợ tăng 50% so với thời điểm chưa có Nghị quyết 42 ảnh 2Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Vẫn còn nhiều khó khăn

Những khó khăn được ông Huyền Anh đưa ra là những vướng mắc như thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản; một số cơ quan chức năng (Ủy ban Nhân dân, cơ quan công an…) chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho tổ chức tín dụng; khó khăn về mặt truyền thông trong quá trình thu giữ tài sản theo tinh thần Nghị quyết 42.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, trong khi hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Tại diễn đàn, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hiện nay xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo ở nước ta vướng ở khâu thuế, cụ thể là thuế chuyển nhượng tài sản. “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài Chính phối hợp Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn cụ thể. Chứ nếu không sẽ xảy ra tình trạng người bán tài sản đảm bảo, bán xong rồi nhưng người mua được tài sản đó không lấy được tài sản đó về do thuế chưa đóng,” ông Lực cho biết.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện chúng ta chưa có một thị trường mua bán nợ thực sự vì muốn phát triển thị trường nợ xấu hay nợ bình thường sau này mà theo giá thị trường thì phải có thị trường.

Chia sẻ thêm về kế hoạch xử lý nợ xấu của VAMC thời gian tới, ông Đông cho biết, bắt đầu tư 2018 sẽ hạn chế mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, mà sẽ phân loại lựa chọn các loại nợ từ 10 tỷ trở lên, cùng với đó là thực hiện mua đứt bán đoạn. Hiện VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ và đã mua được hơn 3.104 tỷ đồng, đã thu hồi được khoảng ¾ con số trên.

Thời gian tới VAMC đã được phê duyệt để tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng và đang xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu của công ty, hướng tới mua bán nợ theo giá thị trường và chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế./.

Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục