Tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm, đạt 5% trong 4 tháng

Ông Hà cho biết, tín dụng đã tăng 5% trong 4 tháng đầu năm, cùng đó tốc độ tăng trưởng của tín dụng cũng đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, thanh khoản ổn định.
Tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm, đạt 5% trong 4 tháng ảnh 1Các chuyên gia thuyết trình tại diễn đàn. (Ảnh: Trần Việt: TTXVN)

Chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/5, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tín dụng đã tăng 5% trong 4 tháng đầu năm, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, tốc độ tăng trưởng của tín dụng cũng đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, thanh khoản ổn định.

Cũng theo ông Hà, trước đây những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng rất thấp do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại nhưng hai năm trở lại đây (2017 và 2018) thì 4 tháng đầu năm tín dụng tăng trên 5% và tăng hơn mức khá cao so với các năm trước đây thường chỉ khoảng 3-3,5% thời gian đầu năm.

[Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 18,17% trong năm 2017]

Điều này chứng tỏ tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm và cơ cấu tín dụng cũng khá hợp lý, hướng các dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực cho phát triển kinh tế. Các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thì Ngân hàng Nhà nước tiên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng luôn luôn phải quan tâm để đảm bảo chất lượng tín dụng.

Thực tế, tình hình hấp thụ vốn của nền kinh tế quý vừa qua có nhiều tín hiệu tốt. Tuy nhiên, phía đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ tiêu tín dụng hiện nay vẫn đang phù hợp chưa cần phải điều chỉnh.

Ông Hà cũng cho rằng, những năm gần đây điểm mới mà Ngân hàng Nhà nước tập trung vào các mục tiêu cuối cùng đó là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng là các chỉ tiêu trung gian và nó phù hợp với diễn biến thực tế và không phải là chỉ tiêu pháp lệnh.

"Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 17%, có điều chỉnh với tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân bổ các chỉ tiêu tín dụng đó cho các tổ chức tín dụng. Trong quá trình điều hành của mình, các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước vừa ra các chỉ thị tín dụng, vừa phối hợp để kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng để đảm bảo cho tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro," ông Hà nhấn mạnh.

“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi và chưa thấy có yếu tố nào để điều chỉnh chỉ tiêu này,” ông Hà cho hay.

Tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm, đạt 5% trong 4 tháng ảnh 2Giao dịch tại Vietcombank. (Nguồn: Vietcombank)

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là chỉ tiêu định hướng không phải bắt buộc. Mục tiêu cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước là ổn định giá trị đồng tiền, chỉ tiêu tín dụng là chỉ tiêu trung gian mà không phải pháp lệnh.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nhìn một cách khách quan, kết quả tăng trưởng tốt của năm 2017 với sự hỗ trợ tốt của chính sách tiền tệ mà vẫn đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, cân đối vĩ mô. Điều này được chứng minh ở thời điểm hiện nay, tăng trưởng quý 1 đã tốt nhờ cầu trong nước và xuất khẩu, song cần tránh tăng quá nóng đặc biệt là thị trường tài sản.

Còn theo chuyên gia Phan Minh Ngọc: Tôi nghĩ mọi người đều nhận thức rõ rằng tăng trưởng tiền tệ chỉ là một phần của tăng trưởng kinh tế nói chung. Dù Ngân hàng Nhà nước đã xác định rõ tốc độ tăng trưởng hiện nay chỉ khoảng 6,7% nhưng để bù lại tốc độ tăng trưởng tiền tệ thận trọng hơn, chúng ta có thể nhấn đến chất lượng tăng trưởng. Những cải cách của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tăng trưởng của nền kinh tế nhấn vào chất lượng hơn số lượng.

Các đại biểu cũng đánh giá cao điểm mới trong điều hành chính sách tiền tệ là đã thay đổi nhận thức, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là định hướng chứ không phải là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hoặc bơm tiền ra, mà mục tiêu hàng đầu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng.

"Việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị./.

Ông Nguyễn Xuân Thành,Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ về tăng trưởng tín dụng
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục