Nội dung chính Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Bảy

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Nội dung chính Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Bảy ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 với nhiều nội dung quan trọng.

Nghị quyết nêu rõ trong tháng Tám và các tháng tiếp theo đến cuối năm 2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu để hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như: nghiên cứu đẩy nhanh việc hình thành các sở, sàn giao dịch tập trung đối với các thị trường bất động sản, đất đai, lao độn; triển khai quyết liệt, đồng bộ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân...

[Thủ tướng: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô]

Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thế giới và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước, thường xuyên phân tích, dự báo, cập nhật kịch bản tăng trưởng để kịp thời kiến nghị các giải pháp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong việc thanh toán nghĩa vụ gốc, lãi đến hạn trong quý 3 năm 2023 để chủ động đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả xử lý khó khăn, vướng mắc trong trường hợp cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.

Nội dung chính Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Bảy ảnh 2Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, bảo đảm kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi; định kỳ hằng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, bảo đảm nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023 sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nghiên cứu bổ sung đối tượng "cơ sở lưu trú du lịch" áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất.

Theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản. Theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới để kịp thời có giải pháp điều chỉnh sản xuất, điều tiết thị trường trong nước và xuất khẩu gạo phù hợp, không để xảy ra tình trạng lợi dụng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở, chủ động chỉ đạo và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai....

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; tích cực, chủ động làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để đẩy nhanh triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh theo thẩm quyền các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án đã đáp ứng đủ điều kiện để sớm triển khai, hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường. Thực hiện báo cáo hằng tháng cho Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp.

Phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 3 đoạn Cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thi công các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các Dự án Quan trọng Quốc gia và Trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 3 đoạn Cao tốc Bắc-Nam phía Đông (Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2 và dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ) trong tháng 9 năm 2023...

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, khai thác khoáng sản…, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi); hướng dẫn triển khai tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trình tự, thủ tục liên quan đến đất đai, khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội và các dự án giao thông trọng điểm. Ban hành hướng dẫn về định giá đất trước ngày 15/8/2023...

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu trình Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội đối với người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, bảo đảm tương quan chính sách với các đối tượng khác...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương phối hợp với Bộ Ngoại giao thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa; xây dựng các chương trình văn hóa lồng ghép trong các hoạt động ngoại giao để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Nội dung chính Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Bảy ảnh 3Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2023 để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9...

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường phòng, chống các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa Hè như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng…; tiếp tục tập trung giải quyết triệt để vướng mắc trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, bảo đảm cung ứng đủ vaccine để thực hiện hiệu quả Chương trình Tiêm chủng Mở rộng; xử lý dứt điểm các dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam trong tháng 8/2023...

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đánh giá, tổng kết năm học 2022-2023; tích cực, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2023-2024, bảo đảm đầy đủ sách giáo khoa với giá hợp lý và tài liệu giáo dục...

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 tại các địa phương, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, bảo đảm mục tiêu, lộ trình thực hiện trong năm 2023, 2024... Bộ trình Chính phủ ban hành trong tháng 8/2023 quy định về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung tính năng của Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử theo hướng phân quyền quản trị đến cấp huyện. Bộ chỉ đạo Sở Tư pháp các địa phương không yêu cầu người dân cung cấp bản sao căn cước công dân khi làm thủ tục liên thông đăng ký khai sinh và các giấy tờ cần thiết khác.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các vụ việc liên quan đến các nông, lâm trường trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự. Khẩn trương triển khai thanh tra theo chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, các hoạt động phát triển kinh tế biển; kiên quyết, kiên trì, linh hoạt đấu tranh xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, diễn tập, đáp ứng điều kiện tác chiến mới.

Nội dung chính Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Bảy ảnh 4Các bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức triển khai nhanh, có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân để thực hiện thống nhất, đồng bộ, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch...

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các đề án, báo cáo về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng; chủ trương, định hướng ứng xử với các sáng kiến của các nước lớn. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký trong các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023 các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả...

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số; bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng phục vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác Chuyển đổi Số ở cấp Quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, tăng cường thông tin đậm nét về các quyết sách của Đảng, Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của các bộ, ngành và địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục