Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến không chỉ là nơi ở và làm việc, mà còn là nơi ghi nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đến nay, không ai nhớ hết những con đường Đại tướng đã đi qua, nhưng những kỷ niệm thiêng liêng về Đại tướng vẫn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây.
Bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào cho biết: Tuyên Quang là nơi ghi rất nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dưới gốc đa Tân Trào lịch sử, ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó Đại tướng dẫn đầu đoàn quân Giải phóng tiến đánh giành chính quyền tại Thái Nguyên rồi tiến quân về giải phóng Hà Nội.
Cũng trong tháng 8 năm 1945, tại Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được bầu vào Ủy ban dân tộc Giải phóng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa) diễn ra từ ngày 11 đến 19/2/1951, đại hội Đảng đầu tiên được tổ chức trong nước, ngoài Thủ đô Hà Nội. Tại đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Cũng theo bà Loan, tuy thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở lại Tuyên Quang chỉ trong khoảng 3 tháng, nhưng Đại tướng đã đến Tuyên Quang rất nhiều lần để báo cáo tình hình với Bác (Bác Hồ đã ở Tuyên Quang gần 6 năm trong 2 cuộc kháng chiến). Trong lòng người dân Tuyên Quang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một người con của quê hương.
Nhà văn Phù Ninh, nguyên Tổng biên tập báo Tuyên Quang, người từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng Đại tướng kể, năm 1995, với tư cách là Tổng Biên tập của Báo Tuyên Quang, tôi và các đồng nghiệp ở Báo rất muốn có hình ảnh của Đại tướng để đăng trong số báo đặc biệt kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám thành công.
Tại nhà riêng, Đại tướng đã vui vẻ tiếp đoàn, nhắc lại những kỷ niệm hồi làm cách mạng ở Tuyên Quang nói chung và Tân Trào nói riêng. Đại tướng đánh giá cao tấm lòng của người dân Tuyên Quang đã chở che cho cách mạng, góp phần làm nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Đại tướng không quên hỏi thăm tình hình đời sống của bà con vùng căn cứ cách mạng xưa và mong nhân dân Tuyên Quang ngày một no ấm, hạnh phúc. Nhà văn Phù Ninh chia sẻ, hình ảnh giản dị cùng lối nói chuyện điềm tĩnh của Đại tướng vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông.
Còn với ông Lê Ngọc Quang, tổ 14, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang từ bao năm qua, những bức ảnh kỷ niệm được chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ông luôn giữ gìn như những kỷ vật thiêng liêng. Ông Quang kể, năm 1990, khi ông còn đang công tác tại Xí nghiệp Chế biến lâm sản 2 Hà Tuyên, Đại tướng đến Tuyên Quang và ghé thăm tình hình sản xuất, kinh doanh tại xí nghiệp, thăm hỏi sức khỏe của cán bộ công nhân viên trong đơn vị. Dù thời gian Đại tướng đến thăm đơn vị ông chỉ khoảng 30 phút, nhưng với ông và những công nhân Xí nghiệp Chế biến lâm sản 2 lúc bấy giờ, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Tự hào là người lính, người con của mảnh đất Tân Trào lịch sử, ông Hoàng Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết: Trong những năm qua, chúng tôi luôn nhớ lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “cựu nhưng không cũ”, Hội Cựu Chiến binh xã chúng tôi luôn đồng tâm, chung sức xây dựng quê hương đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với đồng bào cả nước nói chung, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Nhưng hình ảnh Đại tướng dưới gốc đa Tân Trào lịch sử và những kỷ niệm thiêng liêng về Đại tướng vẫn mãi mãi in đậm trong lòng mỗi người dân quê hương cách mạng, vùng chiến khu xưa./.
Vũ Quang Đán (TTXVN)