Sau khi bàn giao bốn chú gấu cuối cùng của rạp xiếc cho Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, Liên đoàn xiếc Việt Nam thực hiện cam kết không sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn, chuyển đổi sang biểu diễn xiếc thú là vật nuôi gần gũi với con người.
Việc chuyển đổi này gặp không ít khó khăn và những ý kiến trái chiều. Trong ấn tượng của nhiều người về nghệ thuật xiếc, bộ môn này không chỉ có những người nghệ sỹ nhào lộn hay thực hiện các động tác khó trên không mà còn gắn liền với những tiết mục thú hoang dã, cho thấy tài năng chinh phục và đương đầu với những thử thách nguy hiểm của các nghệ sỹ.
Việc sân khấu vắng bóng thú hoang dã mà thay bằng những loài động vật quen thuộc như chó, mèo, lợn, gà… khiến nhiều người vẫn chưa thể thích nghi. Trái lại, cũng có những khán giả cảm thấy bất ngờ và thích thú khi những con vật không ai nghĩ tới như lợn, dê, trâu, vẹt… lại có thể làm xiếc. Đặc biệt, thế hệ khán giả trẻ khá ủng hộ việc chuyển đổi này, bởi đây là một bước tiến lớn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.
[Cứu hộ 4 cá thể gấu cuối cùng tại Rạp xiếc Trung ương Hà Nội]
Tuy nhiên, với đặc thù loài thú nuôi thường nhỏ bé về ngoại hình nên các tiết mục cần phải tăng số lượng thú để lấp đầy khoảng rộng của sân khấu. Từ đó, đòi hỏi các đoàn xiếc phải bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất để đảm bảo vừa chăm sóc các "diễn viên không nói" một cách chu đáo, vừa huấn luyện các "diễn viên" biểu diễn được trọn vẹn.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống, nghệ thuật xiếc phải đối mặt với không ít thách thức để các diễn viên còn có thể bám nghề và cống hiến nghệ thuật. Sự chuyển đổi xu hướng biểu diễn xiếc thú sẽ còn là một lộ trình dài đòi hỏi những người nghệ sỹ sáng tạo và đổi mới không ngừng. Cùng với sự cảm thông và động viên của khán giả, chúng ta cũng cần có những quy định cụ thể của Nhà nước về biểu diễn xiếc thú để vừa đảm bảo tính nhân văn đối với động vật mà vẫn đáp ứng tính chuyên môn của môn nghệ thuật này./.