Nông dân Bình Thuận rộn rã chuẩn bị vụ hoa Tết

Hoa Tết là nguồn thu nhập cuối cùng sau một năm sản xuất của nông dân vùng trồng hoa ở một số địa phương trong tỉnh Bình Thuận.
Năm nào cũng vậy, hoa Tết là nguồn thu nhập cuối cùng sau một năm sản xuất của bà con nông dân vùng trồng hoa ở một số địa phương trong tỉnh Bình Thuận.

Tại phường Bình Tân (thị xã La Gi), nghề trồng hoa đã có từ lâu, tuy diện tích không nhiều, chỉ hơn 5ha, nhưng là nơi cung cấp phần lớn hoa cho người có nhu cầu của thị xã La Gi, trong những ngày lễ, ngày Tết.

Thu nhập của hơn 20 nhà vườn trồng hoa sau mỗi đợt hoa bán Tết, khoảng 15-20 triệu đồng/hộ. Thu nhập không nhiều, nhưng không quá thấp so với trồng lúa, trồng rau quanh năm.

Một nông dân kinh nghiệm ở phường Bình Tân cho biết so với trồng lúa, trồng rau, thu nhập từ trồng hoa trong vụ Tết, bán đúng thời điểm sẽ cao hơn nhiều và trang trải được các khoản chi tiêu, mua sắm trong những ngày Tết. Vì thế từ tháng Chín âm lịch, nhà vườn phải bám sát thời vụ, thời gian sinh trưởng, đặc điểm của từng loại hoa, bố trí lịch làm đất, gieo ươm, để cây sinh trưởng tốt và ra hoa đúng thời điểm. Bên cạnh đó, thời tiết cũng là một trong những yếu tố quyết định thời điểm để cây ra hoa đúng dịp Tết.

Tuy giá không cao bằng những loại hoa khác, nhưng các loại vạn thọ, cúc đại đóa, cúc thường, hướng dương là loại hoa trồng truyền thống, được nhiều người ưa chuộng trưng bày trong dịp Tết. Bởi vậy những gia đình trồng hoa với diện tích khoảng 1.000-1.500m2, có hoa bán trong dịp Tết sẽ thu nhập khoảng vài chục triệu đồng, cao hơn ngày thường.

Khác với làng hoa Bình Tân (La Gi), xã Phong Nẫm (Phan Thiết), xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc), vùng ven của thành phố Phan Thiết đã có truyền thống trồng hoa, trồng rau nổi tiếng của Bình Thuận. Khi cây thanh long lên ngôi, nhiều hộ chuyển sang trồng thanh long, nên diện tích trồng hoa, trồng rau ở các địa phương này bị thu hẹp.

Bám trụ với nghề trồng hoa, chăm sóc hoa ở đây chỉ còn vài trăm hộ, do còn đam mê với nghề. Ở đây, ngoài các loại hoa như trường sanh, cúc, thược dược, hướng dương, vạn thọ được trưng bày trong ngày Tết, các loại mai cành và mai chậu cũng là loại hoa truyền thống của các địa phương này.

Tuy khó trồng, khó chăm sóc, nhưng giá cao hơn các loại hoa khác và là thú chơi của nhiều người trong dịp Tết, khi chọn được cành hoặc cây mai gốc vừa ý. Ở Hàm Hiệp, Phong Nẫm, nhà nào ít nhất cũng có vài chục gốc mai, nhiều thì vài trăm gốc vừa chơi, vừa bán. Năm nào thời tiết thuận lợi, thích hợp với cây mai thì Tết đến, nhờ bán mai chậu (mai gốc), mai cành và làm dịch vụ chăm sóc mai trước và sau Tết có hộ thu nhập vài chục đến cả vài trăm triệu đồng.

Năm nay, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, gặp nhiều trận mưa, mai ra búp và nở sạch, cứu vớt lắm mai cũng không đẹp, không nhiều hoa như mọi năm. Năm ngoái thời tiết thuận lợi, mai phát triển tốt, búp nhiều, hoa đẹp, một gốc mai bán tại vườn giá 3-4 triệu đồng/gốc; mai cành ít nhất cũng 300.000 đồng/cành nhỏ.

Nhiều hộ trồng mai ở xã Hàm Hiệp có thu nhập khá trong dịp Tết. Năm nay, người trồng mai chưa biết được số phận, bởi mai nở sớm. Nhiều người còn trông vào may rủi, cố công chăm sóc mai để vớt vát tiền phân bón, tiền công, có khi mai mất mùa lại được giá.

Thực tế, nghề trồng hoa để có thu nhập không phải dễ, ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Cũng như các loại cây trồng khác, như thanh long, khi được mùa, chính vụ thì giá rẻ như cho, lúc hiếm hàng người trồng lại có thu nhập cao nhờ giá tăng. Đây là điệp khúc gây khó khăn không ít đối với nhà vườn.

Nghề trồng hoa ở Bình Thuận tuy chưa nhiều, quy mô không lớn, không đa dạng như Đà Lạt hoặc các tỉnh, thành khác trong nước nhưng đã cung cấp một lượng sản phẩm truyền thống cho nhu cầu thị trường trong dịp lễ, Tết, là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân.

Vì vậy, ngoài lượng hoa từ các nơi đổ về thành phố Phan Thiết, một địa danh du lịch của Bình Thuận, ngành chức năng nên hướng đến việc khoanh vùng, quy hoạch, hình thành một vùng chuyên canh hoa, rau an toàn theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khoa học, công nghệ, tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, tiến tới phát triển làng hoa, làng rau ổn định, bền vững, tạo công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ được truyền thống làng nghề ở địa phương./.

Tấn Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục