Năng lượng sạch cho nông nghiệp ĐBSCL-Thực hiện chiến lược xanh của Đảng (Bài 1)

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long hưởng lợi nhờ điện mặt trời

Mô hình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang sử dụng năng lượng tái tạo đang là xu hướng trong thời gian tới, giúp nông nghiệp miền Tây tiếp tục phát triển, nông dân có cuộc sống ổn định hơn.

Anh Nguyễn Hữu Hạnh tưới nước cho vườn quýt hồng trên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang bằng hệ thống bơm sử dụng năng lượng mặt trời.
Anh Nguyễn Hữu Hạnh tưới nước cho vườn quýt hồng trên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang bằng hệ thống bơm sử dụng năng lượng mặt trời.

Trong các văn kiện của Đảng như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia... đã xác định rõ các nguyên tắc phát triển lĩnh vực năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như sau:

Độc lập, tự chủ về năng lượng: Đảng xác định rằng an ninh năng lượng là vấn đề sống còn của quốc gia, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung năng lượng từ bên ngoài. Vì vậy, Việt Nam cần chủ động phát triển các nguồn năng lượng trong nước, đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường khả năng tự cung tự cấp năng lượng.

Phát triển bền vững: Đảng nhận thức rõ ràng rằng việc khai thác và sử dụng năng lượng phải đi đôi với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng.

Công bằng xã hội: Đảng khẳng định rằng mọi người dân đều có quyền tiếp cận và sử dụng năng lượng với giá cả hợp lý. Vì vậy, chính sách năng lượng của Việt Nam hướng tới mục tiêu đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định và giá cả hợp lý cho mọi người dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa và các đối tượng yếu thế.

Hợp tác quốc tế: Đảng chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển. Đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới để cùng nhau giải quyết các thách thức về năng lượng.

Vai trò lãnh đạo của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam, có vai trò quyết định trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách về năng lượng. Đảng đề cao vai trò của Nhà nước trong quản lý và điều tiết thị trường năng lượng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác trong phát triển năng lượng.

Đặc biệt, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng khẳng định mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc phát triển năng lượng bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Việc thực hiện các nguyên tắc này không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa và trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây hàng đầu của Việt Nam, đang đứng trước một kỷ nguyên mới: sự kết hợp giữa canh tác truyền thống và năng lượng tái tạo. Với đóng góp gần 32% GDP ngành nông nghiệp và hàng đầu về sản lượng lúa, thủy sản, trái cây, khu vực này đang tiếp tục khẳng định vị thế không thể thiếu trong nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, phía sau những thành tựu là những thách thức không nhỏ mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt. Sản xuất nông nghiệp, với 90 triệu tấn CO2e phát thải hàng năm, trong đó lúa gạo chiếm 75% lượng khí thải Metan, đang là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Đây là bài toán khó đối với một khu vực phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.

Trong bối cảnh này, cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 trở nên đặc biệt quan trọng. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Sự chuyển mình này không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững hơn.

Giữa những thách thức ấy, ánh sáng của hy vọng đang le lói. Các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, đang dần trở thành hiện thực. Nhưng liệu chúng có thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích môi trường như kỳ vọng?

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện loạt bài giới thiệu các mô hình hiệu quả, những thuận lợi cũng như thách thức và khó khăn khi áp dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ góc độ chính sách, chi phí đến hiểu biết của người dân.

Từ các mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào canh tác tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta không chỉ nhìn thấy một bức tranh đầy màu sắc về sự đổi mới và tiến bộ mà còn cả những thách thức cần vượt qua.

Từ việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm tại Bạc Liêu hay đơn giản chỉ là giúp thắp sáng và chạy máy bơm nước trên núi Cấm ở An Giang, những nỗ lực này không chỉ góp phần vào việc giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, mà còn hướng tới một mục tiêu xa hơn: bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, những thách thức như chi phí đầu tư ban đầu, hạn chế về hệ thống điện lưới và thiếu chính sách hỗ trợ cần được giải quyết để tối ưu hóa lợi ích từ năng lượng tái tạo.

Khi nhìn về tương lai, việc liên kết chặt chẽ giữa chính sách, đầu tư và công nghệ sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long trong thời đại năng lượng xanh.

Bài 1: Nông dân hưởng lợi nhờ điện mặt trời

Trong vòng một thập niên trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến các đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp vốn được xem là trụ đỡ kinh tế của vùng.

Đặc biệt, đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp và thủy sản, với ước tính thiệt hại lên đến 300 triệu USD.

Chuyển đổi mô hình sản xuất, trong đó bao gồm chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang sử dụng năng lượng tái tạo đang là xu hướng trong thời gian tới, giúp nông nghiệp miền Tây tiếp tục phát triển, nông dân có cuộc sống ổn định hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Điện mặt trời giúp vùng núi thoát nghèo

Hơn 10 năm nay, việc ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp đã không còn mấy xa lạ với bà con nông dân sống ở khu vực núi Cấm, thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Từ khu rừng cằn cỗi, núi Cấm ngày nay đã “thay da đổi thịt,” đất đai màu mỡ hơn, kinh tế phát triển, cuộc sống người dân khấm khá hơn.

Vượt quảng đường khoảng 4km bằng xe môtô từ dưới chân núi, băng qua nhiều con dốc và những khúc cua gắt, chúng tôi đến với núi Cấm, thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang - vùng đất được mệnh danh là nóc nhà của miền Tây.

Trên đầu một con dốc gần như dựng dứng, gần chùa Phật Nhỏ ở lưng chừng núi Cấm, chúng tôi ghé thăm vườn quýt hồng rộng 5.000m2 của gia đình anh Nguyễn Hữu Hạnh (45 tuổi), một trong những người lắp đặt và sử dụng điện mặt trời đầu tiên ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo.

Anh Hạnh cho biết hơn 1 năm nay ấp Vồ Bà mới có điện lưới quốc gia, nhưng phần lớn bà con vẫn dùng điện mặt trời, vì nhà ở xa lưới điện, chi phí kéo điện cao. Những gia đình có điện lưới quốc gia thì vẫn dùng song song với điện mặt trời.

Gần 10 năm trước, từ nguồn hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) anh đã mạnh dạn đối ứng vốn để lắp pin năng lượng mặt trời cho ở căn nhà dưới chân núi và vườn quýt hồng ở trên núi.

Vừa bật hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời để tưới cho vườn quýt hồng, anh Hạnh cho hay dùng điện mặt trời này vừa an toàn, vừa bảo vệ môi trường; không bơm máy gây tiếng ồn nên tiết kiệm nhiều lắm.

“Hồi chưa có điện mặt trời, tui phải chạy máy dầu để tháp sáng, bơm nước, mỗi ngày 7 lít dầu. Giờ không chạy máy nữa, tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Tui xài tấm pin này đã 10 năm rồi, nó vẫn hoạt động bình thường,” anh Hạnh vui vẻ nói.

2.jpg
Nông dân trồng tiêu trên núi Cấm giới thiệu với phóng viên bể nước đặt các tấm pin mặt trời phía trên dùng để cung cấp năng lượng cho máy bơm.

Giờ thì cả 3 ấp ở trên núi Cấm đều sử dụng điện mặt trời. Anh Hạnh kể, ngày trước người dân trên núi Cấm nghèo lắmnhưng nay nhờ có điện mặt trờ để bà con phát triển kinh tế vườn đồi nên nên đời sống bà con ổn định, trẻ em được học hành đầy đủ…

Nhà gần đó, ông Nguyễn Văn Mừng cũng là một trong những người tiên phong lắp đặt tấm pin mặt trời trên núi Cấm. Từ ngày có điện mặt trời, vườn tiêu rộng 8.000m2 của ông Mừng như được “thay da đổi thịt.”

Hiện nay, nhà ông Mừng có 4 tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi ngày tích dược hơn 500W cùng một hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời.

3.jpg
Nhờ có đủ nước tưới nên vườn quýt hồng của anh Nguyễn Hữu Hạnh năm nào cũng sai trĩu quả.

“Lúc chưa có điện mặt trời, mỗi tuần gia đình tôi mất hơn 300.000 đồng tiền dầu để bơm nước tưới cho vườn tiêu; rồi đưa máy bơm đến vườn cũng tốn công, máy dễ hỏng hóc nữa. Từ ngày có điện mặt trời, việc tưới nước cho vườn tiêu luôn chủ động, không tốn thêm chi phí gì cả. Mua hơn 10 năm rồi mà mấy tấm Pin năng lượng mặt trời đến nay vẫn dùng rất tốt,” ông Mừng chia sẻ.

Nhờ có điện mặt trời, vườn tiêu của gia đình ông Mừng được tưới nước đầy đủ nên năm nào cũng sai quả, chất lượng tiêu cũng đẹp và cao hơn, bán rất được giá.

Vụ tiêu năm ngoái, anh thu hoạch được gần 500kg, bán với giá từ 150.000-250.000 đồng tùy loại tiêu đen hay tiêu chín nhưng không đủ đáp ứng cho du khách.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cho biết núi Cấm nằm ở độ cao hơn 700m, có 3 ấp là Vồ Đầu, Vồ Bà, Thiên Tuế với 754 hộ, 2.735 nhân khẩu. Mặc dù hơn 1 năm nay, điện lưới quốc gia đã về tới từng ấp nhưng do dân cư sống thưa thớt nên nhiều hộ dân vẫn chưa thể sử dụng điện lưới quốc gia, bù lại, gần 100% bà con nhân dân nơi đây đã tiếp cận sử điện năng lượng mặt trời vào sinh hoạt và sản xuất từ hơn 10 năm về trước.

Điều này không chỉ giúp người nông dân có điện sinh hoạt mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, từ đó góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tiền điện giảm hàng triệu đồng mỗi tháng

Rời núi Cấm di chuyển 250km về huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi đến nhà ông Trịnh Văn Hoặc (ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây) là một trong những hộ dân đang ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm.

Gia đình ông sở hữu 20.000 m2 đất, trong đó, diện tích hai ao nuôi thủy sản là 3.000m2, phần còn lại được sử dụng để dự trữ nước.

4.jpg
Ao nuôi tôm sử dụng điện mặt trời của gia đình ông Trịnh Văn Hoặc (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) và các tấm pin mặt trời được lắp trên mái nhà của ông Hoặc.

Theo chia sẻ của ông Hoặc, những năm trước khi có điện mặt trời, chi phí điện để sinh hoạt gia đình và vận hành ao nuôi rất cao, trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, thậm chí những lúc cao điểm có thể hơn 10 triệu đồng.

Từ hai năm trở lại đây, khi được lắp đặt điện mặt trời, ông rất hài lòng với những lợi ích mà mô hình này mang lại.

Thời tiết quanh địa bàn có nhiều nắng nên nhìn chung lượng điện sản xuất lúc nào cũng cao và dư để sử dụng.

Chi phí điện ông phải đóng đã giảm đáng kể, những mùa sản xuất cao điểm ông chỉ phải đóng khoảng 7 triệu đồng, tháng nào thấp thì chỉ đóng hơn 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Hoặc cũng nhận thấy hạn chế của mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Ông cho biết mô hình điện mặt trời tại nhà ông may mắn được Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới hỗ trợ 70% chi phí, do đó gia đình chỉ phải bỏ ra khoảng 21 triệu đồng để lắp đặt.

5.jpg
Ông Trịnh Văn Hoặc giới thiệu chiếc máy biến tần hòa lưới điện bám tải giúp vận hành hệ thống điện mặt trời của gia đình. Khi điện mặt trời không đủ công suất thì máy sẽ lấy điện lưới bù vào, giúp hệ thống điện hoạt động ổn định.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết tại Bạc Liêu hiện nay có khoảng 44 tổ chức và cá nhân có đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm trên diện tích khoảng 70ha.

Phần lớn những hộ gia đình nuôi tôm sử dụng nguồn điện sinh hoạt và điện sản xuất, kinh doanh để sản xuất nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh-bán thâm canh, dẫn đến lượng điện tiêu thụ rất lớn, giá điện tăng qua hàng năm dẫn đến chi phí sản xuất cao (7-10% chi phí sản xuất tùy từng loại hình nuôi).

Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn để ứng dụng năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng bổ sung giúp giảm chi phí, giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới và tăng thu nhập từ hoạt động bán điện dư thừa lên lưới.

6.jpg
Cánh đồng điện gió ven biển Bạc Liêu.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, lắp đặt hệ thống điện mặt trời có thể giảm chỉ số năng lượng điện tiêu thụ từ điện lưới quốc gia đối với các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao từ 40-50% điện năng tiêu thụ hàng tháng.

Bên cạnh đó, việc “Sử dụng điện mặt trời là một tiêu chí để được chứng nhận ASC, BAP (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Khách hàng sẽ đánh giá rất cao đối với những sản phẩm có sự quan tâm đến vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục