Nông dân hưởng lợi từ xu thế đa dạng hóa nông nghiệp

Các hộ đa dạng hóa hoàn toàn có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao hơn 23% so với hộ thuần nông.

Xu hướng giảm dần tỉ trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần nông, tăng dần tỉ trọng thu nhập từ việc kết hợp các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trong nông nghiệp là hình thức đa dạng hóa trong nông nghiệp.

Đặc biệt, các hộ đa dạng hóa hoàn toàn có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao hơn 23% so với hộ thuần nông. Theo đó, lợi ích này đang khuyến khích các hộ đa dạng hóa nhằm làm tăng phúc lợi trong nông nghiệp.

Đó là nhận định của ông Lưu Đức Khải, Trưởng Ban Chính phát triển Nông thôn-CIEM tại hội thảo về các phát hiện liên quan đến chính sách phát triển kinh tế cho nông thôn Việt Nam. Đây là hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (21/11), tại Hà Nội.

Các nghiên cứu được công bố tại hội thảo dựa trên kết quả của Cuộc điều tra Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình (VARHS) được thực hiện vào các năm 2002, 2006, 2008, 2010 và gần đây nhất là vào năm 2012.

Cuộc điều tra đã thu thập được một lượng lớn các thông tin kinh tế-xã hội, từ các vấn đề như tiết kiệm và thu nhập đến sở hữu đất đai và di cư, qua thực hiện phỏng vấn trên 3.700 hộ gia đình ở khu vực nông thôn của 12 tỉnh, bao gồm: Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Đắc Lắc, Đắc Nông, Hà Tây, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Đức Khải cho hay, chuyển dịch cơ cấu đang xảy ra và nhanh hơn từ thuần nông sang đa dạng hóa nông nghiệp; chính sách hiệu quả có thể giúp đảm bảo chắc rằng nhiều hộ gia đình được hưởng lợi từ quá trình này hơn.

“Việc đa dạng hóa ở một mức độ nào sẽ đó tốt hơn so với việc chỉ tập trung vào một loại hoạt động kinh tế đối với hộ nông thôn,” ông Khải khẳng định.

Việc chuyển dịch lao động từ các hoạt động nông nghiệp có năng suất thấp sang các ngành hiện đại hơn có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây.

“Xu hướng này sẽ tiếp tục và nhân rộng, nông nghiệp vẫn quan trọng, nhưng sẽ phát triển theo hướng tăng các giá trị gia tăng đa dạng hóa ngành nghề; và các chính sách nên được thiết kế riêng cho vùng, tỉnh hoặc thậm chí là cho các xã,” ông Lưu Đức Khải chia sẻ.

Bên cạnh đó, tham luận tại Hội thảo, giáo sư Carol Newman, Trường Đại học Trinity cho biết, phân tích các tiêu chuẩn đánh giá “mức độ hài lòng với cuộc sống” cho thấy nhiều hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam cảm thấy không hài lòng với cuộc sống do thu nhập tương đối thấp.

"Một trong những thay đổi quan trọng về hình thức tìm kiểm thu nhập của các hộ gia đình là di cư lao động: Trên 20% hộ gia đình được phỏng vấn cho biết có ít nhất một thành viên trong gia đình đã di cư đến nơi khác. Trong nhiều trường hợp, sự ra đi này là để kiếm tiền giúp gia đình sau một biến cố bất ngờ như thiên tai, bão lụt. Các khoản tiền gửi về quê của lao động di cư trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của các hộ gia đình và dự kiến xu hướng này sẽ còn gia tăng trong tương lai,"giáo sư Carol Newman nói.

Trước tình hình đó, Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng; Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá rằng, để cân bằng các hoạt động kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng, các chính sách đóng vai trò rất quan trọng, nhằm hạn chế các tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch giữa tỷ trọng giữa các ngành cũng như thâm hụt lao động tại địa phương.

"Hình thức đa dạng hóa nông nghiệp tại địa phương cũng là một biện pháp nhằm thu hút lao động vào các hoạt động kinh tế hạn chế mức độ di cư và tăng thu nhập cho người nông dân," Phó Viện trưởng Vũ Xuân Nguyệt Hồng nhấn mạnh./.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với các hộ thuần nông, mức tiêu thụ bình quân đầu người của hộ kết hợp nông nghiệp và hộ cá thể cao hơn 17%; hộ kết hợp làm nông nghiệp và làm công/thuê là cao hơn 8%.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục