Nông dân trồng mía ở Nam Bộ: Sản xuất nhỏ mãi chịu thiệt

Trong 3 năm qua, người trồng mía ở Nam Bộ luôn bị lỗ vốn vì đầu ra bấp bênh, thậm chí nhiều nông dân ở Cà Mau đã đốt bỏ mía bởi giá thu mua quá thấp, không đủ chi phí thu hoạch.
Nông dân trồng mía ở Nam Bộ: Sản xuất nhỏ mãi chịu thiệt ảnh 1Thu hoạch mía. (Nguồn: TTXVN)

Khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất trồng mía khoảng 70.000ha, chiếm 1/4 tổng diện tích mía của cả nước trong niên vụ 2014-2015.

Trong 3 năm qua, người trồng mía luôn bị lỗ vì đầu ra bấp bênh. Vụ mía vừa qua, một số địa phương ở Cà Mau, người dân đã đốt bỏ mía bởi giá thu mua quá thấp, không đủ chi phí thu hoạch.

Sản xuất nhỏ, không có lời

Vụ thu hoạch mía 2013-2014, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, số diện tích đang thu hoạch còn ít. Một số tỉnh như Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An nông dân đang vào vụ chăm sóc mía mới.

Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, niên vụ 2014-2015, diện tích mía ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm hơn 3.000ha.

Riêng tại tỉnh Hậu Giang, nơi có diện tích mía lớn nhất khu vực (khoảng 11.300ha) đã vào đợt chăm sóc mía niên vụ 2014-2015 được ba tháng.

Hầu hết người nông dân tại đây đều lo lắng vụ thu hoạch tới giá mía tiếp tục giảm, trong khi đó, ở vùng đất này, việc chuyển đổi sang cây trồng khác là rất khó bởi thổ nhưỡng không phù hợp.

Về huyện Phụng Hiệp, nơi có diện tích mía chiếm trên 60% toàn tỉnh, nhiều nông dân cho biết, vụ mía qua, giá xuống thấp còn 830-900 đồng/kg. Với giá này, người trồng mía lỗ từ 5-6 triệu đồng/ha.

Vụ mía này nhiều hộ không trồng mới mà chỉ chăm sóc mía gốc lưu vụ.

Ông Nguyễn Văn Khải, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang trồng 1,2ha đất mía, giống ROC 16. Vụ vừa qua, ông bán với giá 850 đồng/kg. Tuy nhiên, do địa điểm thu mua xa ruộng khiến công thu hoạch đội lên 160.000 đồng/tấn. Trừ tất cả chi phí, ông Khải chỉ hòa vốn.

Theo ông Khải, với diện tích 1,2ha đất, sau khi lên liếp (do đất ngập nước phải lên thành luống cao), thực trồng chỉ còn lại 7 công (7.000m2). Diện tích đất nhỏ như vậy rất khó đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất: làm đất bằng máy cày. Bởi chi phí công lao động và chi khác lớn nên giá thành mía gần tương đương giá bán, không có lãi.

Hộ ông Tô Văn Dũng, xã Hiệp Hưng có diện tích đất trồng mía khoảng 7 công. Vì vậy, có xoay cách nào, gia đình ông cũng lãi rất ít.

Theo ông Dũng, chi phí lớn nhất là công làm đất và thu hoạch, bởi ruộng nhà ông Dũng xa nơi thu mua và đất đai phân tán.

Bà Trương Thúy Kiều, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiệp Hưng cho biết, toàn xã Hiệp Hưng có khoảng 1.650ha đất mía. Hầu hết các hộ chỉ có khoảng 7-9 công/hộ, nên khó đưa máy móc vào sản xuất để hạ giá thành.

Theo bà Kiều, với giá bán từ 830-900 đồng/kg như vụ mía qua, người nông dân không có lãi, thậm chí nhiều hộ còn lỗ, bởi giá thành sản xuất cao.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, Hậu Giang là địa phương có diện tích mía lớn nhất khu vực, nhưng người nông dân trồng mía vẫn nghèo bởi đầu ra không ổn định.

Bên cạnh đó, diện tích trồng mía của người nông dân quá nhỏ, khó áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.

Theo ông Đồng, muốn sản xuất bền vững, ổn định vùng nguyên liệu mía cần phải sản xuất ở quy mô lớn như tạo ra các cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã kiểu mới…, làm cách nào để giá thành cây mía nguyên liệu dưới 500 đồng/kg, khi đó, người trồng mía mới có lãi.

Nhiều bất cập về giống

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam , hiện năng suất bình quân của cây mía chỉ đạt 64,7 tấn/ha, thấp hơn Thái Lan khoảng 10 tấn/ha (Thái Lan là 74,5 tấn/ha).

Nguyên nhân chính là chất lượng giống mía chưa cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc để tăng năng suất cây mía chưa có.

Ông Nguyễn Đức Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 1.200 giống mía khác nhau, trong đó có 244 giống hoang dại, số còn lại là giống thương phẩm do Việt Nam sản xuất và nhập từ nước ngoài.

Phần lớn giống mía trồng ở Việt Nam đều nhập từ nước ngoài qua các nguồn như hợp tác quốc tế, mối quan hệ cá nhân. Giống mía được nhập nhiều nhất là các giống mía có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan và Cuba.

Theo ông Quang, thời gian qua, Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam đã cho ra đời được 12 giống mía và hiện đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xét công nhận thêm 2 giống mía mới để đưa vào sản xuất đại trà.

Với nguồn ít ỏi (2,5 tỷ đồng) dành cho nghiên cứu khoa học một năm, Viện rất khó khăn về kinh phí, nên không thể đầu tư cơ sở vật chất xứng tầm với một Viện nghiên cứu của quốc gia. Các cán bộ trong đơn vị đã nỗ lực xoay xở tìm nguồn tài trợ hợp tác để nghiên cứu phát triển giống.

Cũng theo ông Quang, thời gian để nghiên cứu một giống mía mới có năng suất, chất lượng phải tốn từ 14-16 năm. Như vậy, thực tế nghiên cứu để cho ra một giống mía hội đủ các phẩm chất về năng suất, chất lượng, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mất nhiều thời gian, chứ không giống như lai tạo giống lúa.

Hiện, khó khăn trong nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu mía đường, chính là việc lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc hợp tác với Viện. Thông thường, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là hiệu quả kinh tế nên để đầu tư cho nghiên cứu là rất khó.

Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đường thường nhập giống rồi bán cho nông dân để đưa vào sản xuất, thậm chí không qua thời gian trồng khảo nghiệm. Vì vậy, một số địa phương đã thất bại vì giống mía không hợp thổ nhưỡng, cho năng suất thấp./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục