Nông sản hòa theo đà tăng của thị trường hàng hóa

Nối gót xu hướng tích cực của thị trường hàng hóa toàn cầu, hầu hết các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ cũng đua nhau lên giá.
Nối gót xu hướng tích cực của thị trường hàng hóa toàn cầu, hầu hết các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ cũng đua nhau lên giá, sau khi xuất hiện những tín hiệu lạc quan về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như chịu sự chi phối của yếu tố thời tiết.

Sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ mùa Hè năm 2010 vào tuần trước, giá đường đã phục hồi mạnh mẽ vào tuần này và kết thúc phiên giao dịch cuối tuần với mức tăng nhờ hoạt động mua vào mang tính kỹ thuật diễn ra sôi động.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/2, tại sàn LIFFE (Anh), giá đường trắng giao tháng 3/2013 tăng từ mức 486 USD/tấn của tuần trước đó lên 501,20 USD/tấn. Trong khi đó, tại sàn NYBOT-ICE (Mỹ), giá đường thô giao cùng kỳ hạn cũng tăng lên mức 18,80 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg), so với mức giá 18,39 xu/lb của phiên cuối tuần trước.

Không nằm ngoài xu hướng trên, giá cao su cũng tăng đáng kể trong phiên giao dịch này, khi những lo ngại về khả năng nguồn cung tại một số nhà sản xuất cao su lớn trên thế giới có thể bị thắt chặt, đang ngày một gia tăng. Tập đoàn nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) mới đây đã dự báo rằng Trung Quốc - nước tiêu thụ hơn 30% cao su toàn cầu sẽ tăng lượng nhập khẩu 7,2% trong năm 2013.

Theo công ty nghiên cứu LMC Automotive tại Anh, nhu cầu tiêu thụ xe hơi trên thế giới có thể sẽ tăng 2,4% lên 82,7 triệu chiếc trong năm nay, trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc cho biết, nhu cầu của nước này sẽ vượt mốc 20 triệu xe lần đầu tiên trong năm 2013.

70% lượng tiêu thụ cao su toàn cầu là từ ngành sản xuất lốp xe, bởi vậy những thông tin trên càng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá cao su, giữa bối cảnh ba nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia, vốn đóng góp 67% sản lượng cao su toàn cầu, đã vừa nhất trí đốn bớt những cây cao su già cỗi để giảm sản lượng, đồng thời giảm xuất khẩu 300.000 tấn cao su.

Khảo sát do hãng tin Bloomberg thực hiện dựa trên ý kiến của 12 chuyên gia cho thấy giá cao su có thể sẽ tăng 11% lên 350 yên/kg tại thị trường Tokyo trong năm 2013, so với mức 315,9 yen/kg hiện nay. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 1/2, tại thị trường Malaysia, giá cao su tăng từ mức 303,25 xu/kg lên 305,85 xu/kg.

Cùng ngày, giá cà phê tại hai thị trường Mỹ và Anh lại biến động ngược chiều nhau. Tại sàn giao dịch LIFFE (Anh ), giá cà phê robusta (càphê vối) giao tháng 3/2013 tiếp tục tăng lên mức 2.023 USD/tấn, so với mức chốt tuần trước là 1.945 USD/tấn.

Báo cáo tồn kho do LIFFE chỉ định và theo dõi tính đến ngày 21/1 đạt 105.530 tấn, tăng 0,6% so với hai tuần trước đó. Tuy nhiên so với mức kỷ lục vào tháng 7/2011, con số này đã giảm tới 75%.

Theo Sucden Financial, chứng nhận kho theo dõi bởi Liffe sụt giảm và thiếu hàng sẵn có, trong khi Việt Nam - quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới bước vào kỳ nghỉ Tết cổ truyền khá dài ngày chính là những nguyên nhân chính giúp giá cà phê robusta vẫn đứng vững ở mức cao.

Trong khi đó, tại sàn NYBOT-ICE (Mỹ), giá càphê arabica (càphê chè) giao tháng 3/2013 lại hạ từ mức 148,10 xu/lb xuống còn 147,85 xu/lb, sau khi Hội đồng Cà phê Quốc gia Ecuador (Cofenac) mới đây cho biết sản lượng càphê của nước này có thể sẽ tăng vọt lên tới 7,7% trong năm 2013, khi lượng mưa trở lại bình thường.

Theo dữ liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Ecuador sản xuất cả hai loại cà phê, trong đó càphê arabica chiếm trên 60%. Lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm xấp xỉ 1 triệu bao. Riêng xuất khẩu năm 2011 đạt 1.075.000 bao càphê các loại./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục