Trong Nghị quyết 19/NQ-TW có nhấn mạnh đến giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh."
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Hà Nội phải gắn với tiến trình đô thị hóa. Vấn đề này buộc Hà Nội phải cùng lúc vừa giải quyết bài toán hài hòa giữa truyền thống và đương đại, giữa phát triển và gìn giữ môi trường...
Đặc biệt, nông thôn mới Hà Nội mang những đặc trưng riêng của đất văn hiến nghìn đời nhưng vẫn phải đảm bảo văn minh hiện đại.
Những cái khó khi nâng cao…
Trở về các vùng thôn quê Hà Nội, trên đường đi đôi khi ta sẽ bắt gặp những khu nhà vườn, biệt thự nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà xây dựng kiên cố 2 hoặc 3 tầng, ôtô có thể đỗ ngay trước cổng nhà với những con đường có tên, nhà có số, rất thuận tiện cho việc giao thương, những khu vườn hoa, công viên liền kề với sân vận động, trung tâm nhà văn hóa rất tiện nghi và hiện đại.
Dường như nông thôn mới Hà Nội đang được xây dựng tiệm cận các tiêu chí gắn với quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với những tiêu chí ngày càng được nâng lên, Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Dị Nậu huyện Thạch Thất cho biết, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao các tiêu chí đều được nâng cao hơn so với trước.
[Hành trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Khởi đầu gian nan]
Nhìn chung, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, chỉ có băn khoăn và gặp khó khăn trong vấn đề thực hiện với những tiêu chí về môi trường. Cụ thể là tiêu chí 17 về môi trường, yêu cầu phải có 50% số hộ có phân loại rác thải, đây là tiêu chí với nông thôn cực kì khó khăn.
Hiện nay, xã đang duy trì mô hình làng xã thứ 7 hàng tuần các gia đình tổng vệ sinh đường làng. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo rất cao, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, nước sạch nông thôn luôn là vấn đề khó khăn không chỉ với xã Dị Nậu, mà nó tình trạng chung của các huyện trên địa bàn Hà Nội khi thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc di chuyển sản xuất làng nghề ra khỏi khu dân cư. Đặc biệt, vấn đề xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp.
Huyện không thể xử lý được vấn đề ô nhiễm nước sông Nhuệ. Do vậy, huyện rất mong muốn Trung ương và thành phố quan tâm xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước từ sông Hồng về phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại 3 xã của huyện Thường Tín.
Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao các tiêu chí đều được nâng lên.
Do vậy, trong quá trình thực hiện các tiêu chí đó chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn như tiêu chí về y tế, môi trường, chất lượng sống...
Ví dụ như tiêu chí y tế, việc theo dõi khám sức khỏe của nhân dân phải được thực hiện trên sổ điện tử. Trong khi đó, chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn theo dõi, quản lý hệ thống trên mạng như thế nào.
Hay các tiêu chí giao thông, không chỉ hệ thống đường liên xã, đường trục thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, mà còn phải bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn. Với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 100% số thôn phải có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi…
Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị, Hà Nội cần chủ động giải quyết các vấn đề mật độ dân số sẽ tăng cao ở khu vực ven đô, hoạt động dân sinh đan xen sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường làng nghề, hạ tầng giao thông, phát triển các dự án đô thị… làm ảnh hưởng đến sinh thái, không gian kiến trúc, hoạt động kinh tế, tập quán dân cư nông thôn.
… và quyết tâm cao trên hành trình không điểm dừng
Sau 4 năm, ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 của thành phố Hà Nội, đến nay toàn thành phố có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, năm 2018 có 3 xã đạt, năm 2019 có thêm 8 xã đạt, năm 2020 có thêm 18 xã đạt và năm 2021 có thêm 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cuối tháng 8 vừa qua, Hà Nội đã ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 đối với cấp xã và cấp huyện.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao của Hà Nội vẫn có 19 tiêu chí nhưng số chỉ tiêu cần thực hiện cao hơn Bộ tiêu chí quốc gia.
Cụ thể, với tiêu chí số 2 về giao thông, mục 2.2 Bộ tiêu chí quốc gia quy định: "Đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được cứng hóa", Hà Nội yêu cầu: "Đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được nhựa hóa hoặc bêtông hóa."
Hay với tiêu chí số 5 về trường học, Bộ tiêu chí quốc gia quy định: "Tỷ lệ trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2," Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn: "Tỷ lệ trường học các cấp trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2."
Lý giải về những tiêu chí về nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu được nâng lên thể hiện quyết tâm cao của Hà Nội trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới có bắt đầu nhưng không có kết thúc, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, cơ sở vật chất chỉ là một trong số rất nhiều chỉ tiêu để công nhận trường chuẩn quốc gia.
Do đó, đặt ra chỉ tiêu rất cao là thể hiện quyết tâm lớn của Hà Nội trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Cụ thể, theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, 60 chỉ tiêu, nhiều hơn 11 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (49 chỉ tiêu).
Còn Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gồm 19 tiêu chí, 78 chỉ tiêu; trong đó, có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 và một số chỉ tiêu yêu cầu cao hơn so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đến khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu còn khó khăn hơn rất nhiều do yêu cầu tiêu chí càng được nâng lên. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đến năm 2020, thành phố Hà Nội có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Năm 2021, có 5/29 xã nâng cao được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 17,24%, như vậy tỷ lệ cũng không phải quá thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội), xã cũng đang xây dựng nông thôn mới nâng cao được triển khai song hành với tiêu chí trở thành phường trong tương lai gần.
Theo đó, xã đã tích hợp các tiêu chí trong quá trình thực hiện để vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm kinh phí.
Hiện tại, Thượng Mỗ đã có 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa, khu thể thao… được kết nối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tiêu chí đô thị, huyện cũng ấp ủ xây dựng một trung tâm văn hóa thương mại du lịch ngay gần vành đai 4.
Nơi đó sẽ hình thành một quần thể văn hóa, vui chơi, giải trí, tôn vinh các ông Tổ nghề của địa phương, giới thiệu danh nhân, các khoa bảng...
Đặc biệt, vừa qua huyện đã hoàn thành phát động xã hội hóa công trình Văn Từ Thượng Phúc - nơi tôn vinh 68 nhà khoa bảng và nơi đây phát huy truyền thống của con cháu cụ Nguyễn Trãi. Công trình rất quan trọng để phục vụ cho nhu cầu học hành, tâm linh, phát huy truyền thống của quê hương.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay, đã có 48 xã của thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Riêng huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đang thực hiện các bước đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Thủ đô.
Xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, không điểm kết thúc, do đó, các địa phương ven đô của Hà Nội đã và đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn theo hướng tiệm cận tiêu chí đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.../.