Sáng 29/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, đánh giá việc thực hiện thanh toán trực tuyến đối với việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kê khai, nộp thuế, lệ phí trước bạ và cấp, đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tỷ lệ thanh toán trực tuyến còn thấp
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đại dịch COVID-19 thời gian qua là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội cho việc thực hiện chuyển đổi số, thương mại điện tử.
Mặc dù đi vào vận hành chưa được 5 tháng, nhưng tính đến 12 giờ ngày 28/4, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 130.856 tài khoản đăng ký; hơn 32,8 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ. Số hồ sơ đã đồng bộ trạng thái trên 5,6 triệu, hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia là 45.646.
Đặc biệt, trong hơn một tháng (tính từ Hội nghị sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngày 13/3/2020), số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện trên Cổng tăng gần 32.000, gấp 3,3 lần số hồ sơ đã tiếp nhận so với 3 tháng trước đó (trung bình mỗi ngày Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp nhận, xử lý khoảng 1.400 hồ sơ trực tuyến).
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tỷ lệ thanh toán xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kê khai, nộp thuế, lệ phí trước bạ và cấp, đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia rất thấp.
Báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho thấy ngày 13/3, việc thanh toán trực tuyến đối với thu tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông đã được đưa vào triển khai thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.
Đến ngày 27/4, đã có 6.173 lượt truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia để tìm kiếm về thông tin quyết định xử phạt phục vụ thực hiện thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng tìm kiếm không ra kết quả là 6.003 trường hợp (chiếm 97,2%), chỉ có 170 trường hợp có kết quả từ dữ liệu của Cảnh sát giao thông (chiếm 2,8%). Vì vậy, số lượng thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia rất thấp, chỉ có 5 trường hợp, chiếm 3%.
Về nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện còn hạn chế, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho rằng phạm vi thực hiện thí điểm tại 5 địa phương có số lượng xử phạt lớn, nhưng chỉ thực hiện đối với quyết định xử phạt từ cấp phòng trở lên, nên số lượng đối tượng thuộc trường hợp này còn ít. Hơn nữa, cá nhân, tổ chức cũng khó phân biệt được trường hợp của họ thuộc cấp nào có thẩm quyền xử phạt nên gây khó khăn trong tra cứu, thực hiện.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện ở các địa phương thí điểm còn chưa theo đúng quy định, nhất là việc cập nhật biên bản và quyết định xử phạt trên phần mềm xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông. Thực tế, một số cá nhân, tổ chức phản ánh về việc trường hợp của họ thuộc phạm vi thí điểm nhưng không tra cứu ra kết quả.
[Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đẩy nhanh dịch vụ nộp phạt trực tuyến]
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc nộp phạt trực tuyến phải triển khai thực hiện toàn quốc trước 30/6/2020, nhưng tiến độ thực hiện như hiện nay khó đảm bảo.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị Bộ Công an triển khai thu tiền nộp phạt trực tuyến tại 5 địa phương thí điểm thuộc thẩm quyền xử phạt của tất cả các cấp trước ngày 15/5; tổ chức triển khai đối với địa phương còn lại đảm bảo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trước ngày 30/6.
Bộ Công an tổ chức quán triệt, tập huấn, chấn chỉnh kịp thời việc triển khai của lực lượng Cảnh sát giao thông tại các địa phương để đảm bảo thực hiện đúng quy định, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức.
Về việc thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ xe ôtô, xe gắn máy đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại 5 địa phương trên, ông Ngô Hải Phan cho biết đến nay, mới phát sinh 5 trường hợp.
Nguyên nhân hạn chế là do trong giai đoạn đầu, một số trường hợp đã thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đã được cấp chứng từ ký số điện tử của Ngân hàng thương mại theo đúng quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP nhưng có cơ quan Cảnh sát giao thông khi đăng ký xe không chấp nhận chứng từ điện tử, còn yêu cầu người dân đi xin xác nhận hoặc có chứng từ dấu đỏ của ngân hàng (thực tế xảy ra tại Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thông tin Bộ đã xây dựng xong hệ thống kết nối việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng Thanh tra giao thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra giao thông đã ra quyết định xử phạt hơn 300 trường hợp nhưng chưa có hồ sơ nào thanh toán trực tuyến, người dân vẫn nộp tại Kho bạc.
Ông cho rằng cần rà lại các quy định pháp luật có liên quan đến xử phạt, quy định về cấp xử phạt phải thay đổi. Hiện chưa phân cấp, ủy quyền mạnh, còn tập trung quyền nên còn lòng vòng, chưa kích thích người dân, cần phải gắn trách nhiệm của người xử phạt.
“Xử phạt 20 triệu đồng phải Tổng cục trưởng ký quyết định, mà chỉ cần vi phạm về hành lang an toàn giao thông là đã lên đến 20-30 triệu đồng, nên rất bất tiện. Cần rà lại quy định này, nếu các chi cục, thanh tra chi cục được xử phạt sẽ khác, nhưng lúc đó phải quy định rõ trách nhiệm của người xử phạt," ông Đông nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng đội trưởng đội kiểm soát trên tuyến phải có quyền và trách nhiệm trong việc xử phạt. Nếu xử phạt mà phải đi 100 km lấy chữ ký của Trưởng phòng thì sẽ chậm trễ, thủ tục hành chính phải cải cách.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, việc thanh toán xử phạt trực tuyến không những tạo thuận lợi cho người dân mà công tác quản lý của Cục cũng tốt hơn.
Đến nay, Cục Cảnh sát giao thông đã đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.903 quyết định xử phạt, nhưng chỉ có 5 trường hợp đóng tiền qua hệ thống điện tử, trực tiếp đến nộp là 441 trường hợp. Số còn lại chưa thực hiệp nộp phạt.
Ngay khi Cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt, Cổng Dịch vụ công quốc gia gửi tin nhắn thông báo vào số điện thoại của người vi phạm, hướng dẫn và đề nghị tra cứu trên Cổng.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, vướng nhất hiện nay trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là do thể chế, liên quan đến Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Giao thông đường bộ.
Theo quy định, một trường hợp lập biên bản yêu cầu phải có 5 ngày để người dân giải trình. Sau khi giải trình, không có ý kiến khác mới ra quyết định, trong khi đó có tới hơn 600 hành vi tước giấy phép lái xe có thời hạn, vừa phạt tiền, vừa tước giấy phép lái xe.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho rằng cần cải cách quy trình xử lý vi phạm. Cảnh sát giao thông khi có biên bản hoặc phát hiện vi phạm đối với trường hợp chỉ phạt tiền, đã có đầy đủ chứng cứ điện tử, có thể xử phạt ngay thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Muốn thực hiện được điều này, phải sửa luật, giao quyền gắn với trách nhiệm. Bộ Công an đang cùng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ sửa đổi luật, trong đó xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Hiện, Cục Cảnh sát giao thông đang hoàn thiện dữ liệu thông tin để đến 30/6 triển khai đồng bộ đến các phòng cảnh sát giao thông của 63 tỉnh/thành phố.
Đáng chú ý, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, thời gian qua, Cục đã thực hiện thủ tục đăng ký cho 40.000 phương tiện nhưng đăng ký sử dụng biên lai điện tử chỉ có 220 trường hợp, lý do là việc nộp lệ phí trước bạ không thực hiện online, phải chờ một thời gian để ngân hàng, kho bạc chuyển dữ liệu sang cảnh sát giao thông. Bên cạnh đó, chưa có bản khai điện tử dùng chung giữa cơ quan Thuế, Kho bạc, Cảnh sát giao thông, Hải quan...
Ghi nhận các cơ quan đã tích cực thực hiện việc tích hợp thanh toán điện tử đối với các dịch vụ công, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ quan đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán số và không dùng tiền mặt, tập trung xây dựng dữ liệu dùng chung kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan liên quan theo nguyên tắc người dân chỉ cần kê khai một lần khi làm thủ tục thanh toán.
Bộ trưởng cho rằng việc triển khai vẫn vướng về quy trình thủ tục, vì vậy cần rà soát để chuẩn hóa dịch vụ công tại các bộ, địa phương; chuẩn hóa thống nhất mẫu khai, đặc biệt là form điện tử dùng chung.
Bộ trưởng giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để có mẫu khai dùng chung trước ngày 10/5./.