Số lượng văn bản điện tử tăng mạnh trong thời gian phòng, chống dịch

Trong những tháng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh, hằng tháng có khoảng 200.000 văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan.
Số lượng văn bản điện tử tăng mạnh trong thời gian phòng, chống dịch ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 27/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội về phương án kết nối, liên thông văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trong triển khai Chính phủ điện tử nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Ngày 12/3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã chính thức khai trương, phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước.

Sau hơn 1 năm tích cực triển khai, đến nay, 31 cơ quan Trung ương và 63 địa phương đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thường xuyên gửi, nhận văn bản điện tử hai cấp chính quyền thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới trước ngày 30/6/2020, hoàn thành kết nối 4 cấp chính quyền.

Ngoài các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đã triển khai kết nối và thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và một số cơ quan Tỉnh ủy, đang thử nghiệm kết nối tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tổng cộng hiện nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối tới 129 điểm.

Từ ngày 12/3/2019 (thời điểm khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia) đến nay, có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính. Số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận trong tháng 3/2020 so với tháng đầu tiên khi vận hành Trục đã tăng gấp 5 lần.

[Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử]

Đặc biệt, trong những tháng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh. Hằng tháng, có khoảng 200.000 văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan.

Trục liên thông văn bản quốc gia ngoài phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử còn là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của Văn phòng Chính phủ trong triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Các hệ thống này từ khi triển khai đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đều bày tỏ muốn sớm triển khai kết nối, liên thông trao đổi thông tin văn bản giữa Văn phòng Chính phủ và các cơ quan để hình thành mạng lưới trao đổi thông tin, văn bản thông suốt, góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính Việt Nam. Nhiều nơi vừa qua đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ nhưng kết nối với các cơ quan bên ngoài còn rất lúng túng.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết bà đã 2 lần họp trực tuyến với Chính phủ từ cơ quan Trung ương Hội.

Nhận thấy rõ lợi ích của việc thực hiện kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, Hội đã ký kết với các đối tác cung cấp dịch vụ để thực hiện chuyển đổi số. Dự kiến sau ngày 30/4, Hội sẽ kết nối liên thông văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết cơ quan này còn chậm và lúng túng trong ứng dụng công nghệ thông tin, vẫn loay hoay với câu trả lời hệ thống nào phù hợp nhất, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Ông đề nghị Văn phòng Chính phủ chia sẻ, chuyển giao cách nền tảng, phần mềm đang áp dụng để Mặt trận Tổ quốc có thể học hỏi và triển khai ngay.

Tại cuộc họp, các nhà cung cấp dịch vụ đều thể hiện cam kết sẽ triển khai kết nối, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các đơn vị sử dụng.

Liên quan đến ý kiến của các bên về thiếu hệ thống chữ ký số, chứng thư số, lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết đã cấp cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Chính phủ hơn 220.000 chữ ký số. Riêng với Trục liên thông văn bản quốc gia và các dịch vụ đã cung cấp gần như đầy đủ yêu cầu ban đầu. Các dịch này được thực hiện trơn tru, chưa có sự cố đáng tiếc nào.

Ban Cơ yếu Chính phủ đã cài đặt bảo mật đường truyền cho các thông tin mật trong Chính phủ điện tử. Trong các tổ chức chính trị-xã hội, đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên đã được cấp chứng thư số. Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ cấp chứng thư cho các cơ quan ngay trong ngày, khi có yêu cầu.

Khẳng định Văn phòng Chính phủ sẵn sàng đồng hành cùng với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp triển khai, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt mục tiêu đến giữa tháng 5/2020 hoàn thành kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trên Trục liên thông văn bản quốc gia, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa Văn phòng Chính phủ và các đơn vị.

Bộ trưởng giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chủ trì, phối hợp cùng với Ban Cơ yếu Chính phủ, Trung tâm tin học, Vụ Hành chính (Văn phòng Chính phủ) và các đơn vị chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức để triển khai công tác này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục