NSND Hoàng Dũng: "Tôi là người không thích dị biệt"

Nghệ sỹ Hoàng Dũng tâm sự, anh không thích nổi giữa đám đông, trong cuộc sống phải gần gũi, còn nổi bật thì hãy dành cho vai diễn.
Trước thềm năm mới, đến xông đất sớm tại "đại bản doanh" của Nhà hát Kịch Hà Nội-nơi nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng làm Giám đốc, anh đã có cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Vietnam+ về sân khấu, về cuộc đời.

Tự hào sắc thái Nhà hát

- Khán giả quen với hình ảnh nghệ sỹ hài Minh Vượng- Minh Hòa, Công Lý hàng chục năm qua và  đều biết các nghệ sỹ có “xuất thân” từ Nhà hát Kịch Hà Nội, vậy thưa anh phương hướng phát triển của Nhà hát Kịch Hà Nội có định phân nhánh “đi" sang hài kịch hay không?

Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Không phải là "đi" sang hài kịch mà bao giờ cũng thế, hài kịch và chính kịch song song cùng phát triển. Nhà hát của chúng tôi có ba đoàn và năm nào cũng ra một chùm hài kịch. Vào dịp cuối năm này, chúng tôi cho ra mắt một chương trình hài kịch mới, do nghệ sỹ ưu tú Chí Trung dàn dựng cho đoàn 3 của Nhà hát Kịch Hà Nội.

- Nhà hát Kịch Hà Nội mà mời nghệ sỹ ưu tú Chí Trung đạo diễn thì có ngại mất sắc thái đặc trưng riêng của mình không, thưa anh?

Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Nghệ sỹ Chí Trung "dàn trận" kiểu gì thì dàn, diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội diễn vẫn có màu sắc khác. Ngoài ra, nếu luôn có tiếp thu, học hỏi từ bên ngoài thì càng tốt chứ không có vấn đề gì.

- Như vậy là có một niềm tự hào riêng. Vậy theo anh, nét riêng của nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội là gì?

Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Phong cách diễn riêng. Nhìn lại có thể thấy, năm 2010, chúng tôi dựng vở “Tình sử ngàn năm.” Cả bốn diễn viên trong vở đều được giải thưởng. Một năm có bốn diễn viên được giải thưởng kịch nói thì cả bốn diễn viên đều đạt được giải thưởng đó.

Năm 2011, chúng tôi tiếp tục khẳng định mình và phương hướng phát triển bền bỉ, dài lâu chính là định hướng, đó cũng là điều kiện cho diễn viên trẻ học tập. Hiện tại, chúng tôi dàn dựng vở “Người đàn bà không tên” - một vở kịch xuất sắc để các nghệ sỹ thả sức có đất diễn.

Trăn trở "nuôi nghệ thuật"


- Đó là “nuôi nghệ thuật,” anh có thể nói rõ hơn về chiến lược "nuôi quân" của nhà hát? Và không chỉ bán vé lại còn cần chiêu khán giả thì sao thưa anh?


Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Nhà hát chúng tôi còn có những chuyến lưu diễn miền Trung-Tây Nguyên, diễn phục vụ bà con nông dân ở ngoại thành.

Trong các lần diễn như thế cần rất súc tích và đắc địa. Với điều kiện sân khấu không hoàn chỉnh nên nếu bê cả một vở diễn lớn cũng không phù hợp. Quy mô nhỏ như những tiểu phẩm hài phù hợp hơn.

- Với xu hướng liên kết với sân khấu nước ngoài để học hỏi và cùng phát triển thì Nhà hát Kịch đã làm gì?

Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Vừa rồi, chúng tôi mang vở “Cát bụi” sang Hàn Quốc, Ban tổ chức Liên hoan nhận xét, đây là một vở diễn mà dàn diễn viên xuất sắc nhất liên hoan. Qua đó, chúng tôi cũng hiểu rằng quan niệm về nghệ thuật chung thì dù kịch nước nào cũng là một cách trình bày với cộng đồng về một vấn đề nào đó.

Sau khi tham gia, nghệ sỹ ta đều thấy vui và yên tâm. Sau đó, chúng tôi tham gia Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. Đại sứ Việt Nam ở Hàn Quốc đã nói: trước đây, chỉ có ca nhạc nên bà con xem mãi cũng nhàm. Bây giờ, kiều bào mình được xem kịch thì rất thích. Các nghệ sỹ tham gia trong đoàn “đem chuông đi đánh xứ người” là Tiến Đạt, Trung Hiếu, Hoàng Dũng, Thu Hà, Bích Thủy.

- Từ một số bài báo, nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng nổi tiếng là người có hôn nhân hạnh phúc, anh nói gì về việc này?


Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Họ cứ viết quá vậy thôi. Tôi không thích nói chuyện riêng của mình. Gia đình tôi không có  "sóng to gió lớn" gì để thành vụ việc nhưng cũng không có nghĩa là cứ vui thì đi khoe hạnh phúc riêng.

- Theo một vài bài viết thì vợ anh không biết ghen?


Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Phụ nữ ai chả ghen. Vợ tôi cũng ham nghệ thuật và rất hiểu nên cũng đỡ. Với lại, tôi nghĩ cũng cần xem mình như thế nào. Nếu mình đầy đủ trách nhiệm thì đâu có gì đáng ngại nữa.

Những năm gần đây tôi ít diễn, điều kiện “va chạm” không có nên điều kiện... ghen cũng không có. Và kiểm lại, mình toàn đóng với Hoàng Cúc, Minh Hòa, Thu Hà và gần đây là phim với Kiều Thanh, toàn người “bạn ấy” quen biết, quý mến rồi nên hiểu cả, không có gì để hờn ghen.

Có thể tôi là người khô khan nên ngay cả khi còn trẻ cũng không ai nhào vào tôi khiến phải nghĩ ngợi nhiều. Chưa có người gây sức hút để tôi phải tính đến sự thay đổi.

Tuổi tôi bây giờ thì lớn rồi, nhưng ở thời gian trước nếu ai có tình cảm lớn quá thì mình phải cân nhắc. Những câu hỏi sẽ được đặt ra. Cái thay mới liệu có tốt hơn không? Mà cái đang có đâu có điều gì khiến mình phải băn khoăn mà thay đổi?

- Anh tuyệt đối không nhận mình là người đào hoa ư? Theo anh, đào hoa là do người muốn đào hoa mà ra. Và anh không muốn đào hoa?
      
Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Không phải là không muốn nhưng “đa mang” thì phải mang lại cho người  có tình cảm với  mình cái gì chứ. Còn trong cuộc sống, bản thân mình không hoàn thiện thì cũng đừng hỏi ai hoàn thiện. Nhường nhịn hơn một chút, dìm cái tôi xuống một chút thì tốt hơn. Trong công việc hay trong hôn nhân cũng vậy.

- Vậy thì con người công chức của anh mạnh hơn con người nghệ sỹ rồi?
    
NSND Hoàng Dũng:
Đúng vậy, tôi không thích nổi giữa đám đông. Cho dù vì là nghệ sỹ  thì nhiều lúc phải xuất hiện chỗ này chỗ khác. Song tôi không bao giờ muốn tạo khác biệt với mọi người. Ngay từ khi còn trẻ, thiếu cân nhắc, thiếu suy nghĩ và đang rất yêu mình tôi cũng không muốn tạo cho mình một sự dị biệt.  Tôi  nghĩ rằng hãy nổi bật ở trong vai diễn, trong cuộc sống phải gần gũi.

Tôi xác định nghề diễn nó chỉ là một nghề, thành công được thì tốt. Còn con người cần sống bình dị và chan hòa trong cuộc đời.

- Làm Giám đốc một Nhà hát có nhiều nghệ sỹ giỏi, anh có bao giờ quát nhân viên ầm ĩ không?

Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Có chứ, nhưng tôi thường có cách hỏi thăm một cách nhẹ nhàng hoặc tôi mang chuyện người khác, chuyện hư cấu... để nói rõ quan điểm của mình cho người ta biết. Tế nhị và tôn trọng là cần thiết. Tuy nhiên cũng có những trường hợp rất cần thẳng thắn, rõ ràng.

- Xin anh cho ví dụ?


Nghệ sỹ Hoàng Dũng: Ví dụ như nghệ sỹ có cá tính mà không ảnh hưởng đến tập thể thì tôi tôn trọng cá tính đó của họ. Đơn cử một chuyện hay xảy ra giữa các nghệ sỹ trẻ, tôi nói: chuyện yêu đương là của các bạn. Tôi không yêu hộ các bạn được và cũng không cấm các bạn yêu. Nhưng đừng để ảnh hưởng đến tập thể.

Nếu như các bạn yêu nhau thì ở chỗ đông người đừng bắt mọi người chứng kiến các bạn âu yếm khi yêu đương hay dằn hắt khi hờn giận. Nếu đã có gia đình, thì đừng để gia đình đến báo cáo chuyện này, chuyện kia. Đừng để tôi phải xử lý, vì tôi đã làm thì phải làm đến nơi...

Trân trọng cảm ơn anh! Chúc anh một năm mới mạnh khỏe và nhiều thành công!

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục