NSND Trung Kiên đã đi trọn con đường của một người nghệ sỹ lớn

Nhiều nghệ sỹ đã bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên, một người thầy, nghệ sỹ lớn của nền âm nhạc Việt Nam.
Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên và nhạc sỹ Quốc Trung. (Ảnh: FBNV)
Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên và nhạc sỹ Quốc Trung. (Ảnh: FBNV)

Nghệ sỹ Quốc Trung vừa xác nhận rằng nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên, bố của anh đã qua đời. Anh nghẹn ngào chia sẻ trên trang cá nhân: “Cảm ơn Bố đã mang con đến cuộc đời này. Cảm ơn Bố đã dành cho con và 2 cháu Thiện Thanh và Đăng Quang một tình yêu vô bờ bến. Nguyện vọng vun đắp hạnh phúc cho Xiu (tên thường gọi của Thiện Thanh-PV) của Bố đã được thực hiện để Bố yên tâm lên một hành trình mới. Bố đã có cuộc đời đẹp mà con tự hào được là một phần trong đó. Sau này, ở một nơi nào đó. Con ước được gặp lại Bố để gọi Bố yêu quý của con một lần nữa. Chào Bố!”

[Cây đại thụ của 'dòng nhạc đỏ' - NSND Trung Kiên qua đời ở tuổi 82]

Ca sỹ Lê Anh Dũng, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, mở đầu cuộc họp báo giới thiệu liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát bằng những chia sẻ nghẹn ngào: “Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên là một người thầy của rất nhiều ca sỹ, nghệ sỹ, trong đó có tôi. Ông là một người nghệ sỹ mẫu mực, một người thầy tận tâm. Nghe tin ông ra đi, tôi rất buồn và xin bày tỏ niềm thương tiếc sâu sắc.”

Một trong số những học trò của ông, ca sỹ Hạ Vân, giảng viên Đại học Văn hóa Việt Nam, đã từng học thạc sỹ dưới sự hướng dẫn của giáo sư, nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên.

NSND Trung Kiên đã đi trọn con đường của một người nghệ sỹ lớn ảnh 1Ca sỹ Hạ Vân, một người học trò của nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên. (Ảnh NVCC)

Chia sẻ với VietnamPlus, chị bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của người thầy đáng kính: “Tôi theo học ngành thanh nhạc và thực hiện luận văn thạc sỹ với đề tài ‘Làm thế nào để tạo màu sắc cho giọng nữ cao soprano.’ Thầy Trung Kiên đã hướng dẫn, chỉ dạy cho tôi rất kỹ càng và chỉn chu. Suốt những năm theo học, ấn tượng để lại trong tôi là một người thầy nghiêm khắc nhưng vô cùng yêu thương học trò. Tuy thầy đòi hỏi rất cao nhưng chưa từng trách móc, hay khiến sinh viên có cảm giác sợ hãi và áp lực. Thầy bỏ rất nhiều tâm sức để chúng tôi hoàn thành bài học đúng hạn, vì đặc thù của học viên cao học chúng tôi là vừa học, vừa đi biểu diễn, mất rất nhiều thời gian.”

“Tôi còn nhớ sinh viên chúng tôi rất yêu quý thầy, thường chờ thầy xong tiết học là một nhóm kéo đến rủ thầy đi ăn trưa ở căng tin của Nhạc viện. Lần nào thầy cũng trả tiền cơm trưa cho học trò. Những kỷ niệm rất vui mà giờ nhớ lại, tôi thấy nghẹn ngào, rưng rưng,” ca sỹ Hạ Vân tâm sự.

Dù không phải là học trò của nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên, nhưng ca sỹ Tùng Dương cũng xúc động khi biết tin ông qua đời: “Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên là một người thầy mẫu mực, đã đào tạo ra nhiều người thầy cho nền âm nhạc Việt Nam. Dù không trực tiếp theo học ông, nhưng tôi cảm nhận được ông là một nhà giáo uyên bác. Với kỹ thuật thanh nhạc sâu sắc học tập từ nước ngoài, ông đã góp phần xây dựng giáo trình thanh nhạc tại Việt Nam. Ông là một nghệ sỹ lớn, một giọng hát hào sảng với những bài hát mà tôi rất thích như ‘Hà Tây quê lụa,’ ‘Chào Sông Mã anh hùng,’…”

NSND Trung Kiên đã đi trọn con đường của một người nghệ sỹ lớn ảnh 2Ca sỹ Tùng Dương bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của một nghệ sỹ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Ca sỹ Tùng Dương cho biết sự ra đi của ông để lại niềm thương tiếc mênh mông đối với các ca sỹ, học trò của ông và khán thính giả.

“Nửa năm trước, được tin ông ốm, tôi đã đến thăm. Lúc đó, ông rất tỉnh táo, dí dỏm và có tinh thần tích cực. Dù sao đi nữa, ông đã đi trọn vẹn con đường của một nghệ sỹ lớn. Tôi sẽ nhớ mãi đến nghệ sỹ Trung Kiên, một người luôn dành sự yêu mến, khích lệ đối với Tùng Dương,” anh nói thêm.

Chia sẻ trên trang cá nhân, ca sỹ Vũ Thắng Lợi cũng vô cùng thương tiếc nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên: “Đây là một mất mát lớn cho nền thanh nhạc nước nhà. Ở thầy có một gia tài đồ sộ về kiến thức thanh nhạc và âm nhạc cổ điển.”

Nghệ sỹ nhân dân-giáo sư Trung Kiên (Nguyễn Trung Kiên) đã qua đời do tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 82 tuổi. Trước đó, ông đã bị đột quỵ và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo nguồn tin từ gia đình, tang lễ của nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên sẽ được tổ chức vào ngày thứ bảy, ngày 30/1 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, lễ viếng diễn ra từ 9-11h.

NSND Trung Kiên đã đi trọn con đường của một người nghệ sỹ lớn ảnh 3Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên. (Ảnh: VOV)

Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên sinh năm 1939 tại Kiến Xương, Thái Bình. Ông là con trai nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới.

Ngày nhỏ, ông tham gia vào dàn đồng ca như Tuổi xanh, Rạng đông của Sở Văn hóa và Thành đoàn Hà Nội. Học hết lớp 10, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1962, khi đang là sinh viên năm ba, ông được cử đi học ở Liên Xô. Sau khi về nước, ông gia nhập đoàn văn công, đi khắp các chiến trường biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong.

Ông nổi danh cùng lớp nghệ sỹ nhân dân đầu tiên như Quý Dương, Trần Hiếu, Thanh Huyền, Kiều Hưng... Tháng 4/1975, ông làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, cùng nghệ sĩ Quý Dương thu âm các bài hát mừng chiến thắng.

Với giọng nam cao đặc trưng, đầy kịch tính nhưng cũng đầy trữ tình, ông để lại ấn tượng trong lòng nhiều thính giả ở mọi lứa tuổi. Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên chính là giọng ca vàng của những ca khúc bất hủ như: “Đất nước trọn niềm vui,” “Phất cờ Nam tiến,” “Cô lái tàu,” “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”...

Sinh thời, nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên được tin tưởng giao phó vị trí Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từ năm 1992-2001. Cũng trong năm 2001, ông được phong học vị giáo sư. Sau đó, ông tiếp tục giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, cố vấn cho Trung tâm âm nhạc Serenade và viết sách. Những học trò của ông gồm nhiều tên tuổi lớn như nghệ sỹ nhân dân Quốc Hưng, nghệ sỹ ưu tú Đăng Dương, ca sỹ Trọng Tấn, Lan Anh, Phương Nga...

Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên từng trải qua 2 cuộc hôn nhân. Ông kết hôn với ca sỹ Thanh Nga và có con trai là nhạc sỹ Quốc Trung. Sau đó, ca sỹ Thanh Nga không may qua đời vì bệnh ung thư. Ở cuộc hôn nhân thứ hai, ông sống với nghệ sỹ nhân dân, nhà giáo Trần Bạch Thu Hà (nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), con gái của nghệ sỹ piano Thái Thị Liên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục