Vào ngày 29/11/2011, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NTT Tsukuba đã mở cửa Diễn đàn Tsukuba 2011 kết hợp hội nghị chuyên đề, với sự tham gia của 10.700 khách mời đến từ nghành công nghiệp mạng truy cập của 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Diễn đàn Tsukuba là cuộc triển lãm được thiết kế để giới thiệu về các công nghệ FTTH tổng thể của NTT. Sự kiện năm nay hướng tới việc trình bày những khả năng cốt lõi của mạng truy cập qua những kết quả phát triển và nghiên cứu mới nhất của Phòng thí nghiệm các hệ thống dịch vụ mạng truy cập NTT. Tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Tsukuba, nhà tổ chức đã bố trí 5 tòa nhà với diện tích 70.000 m2 để phục vụ khách ghé thăm. Mỗi tòa nhà có khoảng 120 tổ chức triển lãm từ NTT cùng các công ty đối tác khác. Tiến sỹ Eng. Hideaki Kimura của NTT Tsukuba R&D bày tỏ về những nỗ lực của họ trong quá trình nghiên cứu các công nghệ truy cập: “Một mạng truy cập có ý nghĩa duy trì xã hội bảo đảm và an toàn cho một tương lai tươi sáng.”
Hiện có 4 mảng chính trong công nghệ truy cập: Đường cáp ngầm, công nghệ sợi quang học, hệ thống truyền dẫn quang và truy cập không dây. Diễn đàn Tsukuba 2011 chứng minh công nghệ sử dụng những thiết bị hiện có và trình bày những kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ mạng truy cập để hướng tới tương lai. Vậy tương lai của mạng truy cập sẽ là gì? Nhà tổ chức nói rằng, trước những thách thức như tốc độ truyền tải tối đa của mạng sẽ bị giới hạn tới 100T byte, và cơ sở mạng hiện tại sẽ là không đủ, thì một yêu cầu bắt buộc đặt ra là chúng ta cần phải nghiên cứu và phát triển thế hệ kế tiếp của công nghệ truy cập. Ý thức được sự cấp bách đó, quá trình nghiên cứu và phát triển trên đã được Nhật Bản coi là một phần trong dự án quốc gia của họ.
Chống thiên tai là một trong những chủ đề trọng tâm của Diễn đàn Tsukuba năm nay. Mỗi gian triển lãm đều giới thiệu về công nghệ có thể hỗ trợ mạng truy cập trong thảm họa. Có thể hiểu được tại sao Diễn đàn Tsukuba lại chú trọng đến chủ đề Chống thiên tai như vậy, bởi hiện Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sau thảm họa thiên nhiên kép động đất - sóng thần hồi tháng Ba vừa qua. Tiến sỹ Kimura bày tỏ: “Ở vị trí một viện công nghệ, chúng tôi cần có đóng góp cho quá trình khôi phục Nhật Bản bằng những công nghệ mới. Xin hãy hỗ trợ Nhật Bản”./.
Văn Hưng (Vietnam+)