Nữ hộ sinh đêm Giao thừa: Niềm vui và nước mắt

Hạnh phúc sinh con đêm giao thừa không chỉ là niềm vui của các sản phụ mà còn là niềm vui chung của bác sĩ, hộ sinh sản khoa.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong bộn bề công việc, nữ hộ sinh Trần Thu Nga, bệnh viện phụ sản Hà Nội chia sẻ: “30 năm trong nghề, tôi cũng không nhớ rõ đã bao nhiêu lần mình phải trực đêm cuối năm, bất kể khi nào có các ca đỡ đẻ hay sinh mổ đều khiến tôi hồi hộp, nhưng có lẽ niềm vui thì nhiều hơn vì một sinh linh bé nhỏ sắp chào đời.”

Gác lại nỗi niềm


Không khí tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn nhộn nhịp như ngày thường mặc dù Tết đang sắp sửa gõ cửa từng nhà. Trong phòng, vài chục sản phụ chờ sinh mỗi ngày.

Người Việt Nam quan niệm, giờ phút trời đất chuyển mình từ năm cũ sang năm mới là khoảnh khắc thiêng liêng nhất của năm. Trong gia đình, mọi người quây quần bên nhau cùng tận hưởng để khởi đầu cho một năm được đầm ấm.

Chị Nga kể rằng, những năm vào kíp trực đêm, trước khi đi làm chị phải sắp sẵn cỗ rồi dặn chồng cúng ngoài sân, trong nhà như thế nào. Mặc dù vậy, trong gia đình, một mình chị đảm nhiệm trọng trách này, nên khi giao phó lại chị cũng không yên tâm. Đầu năm chỉ cần thiếu sót một chút thì cả năm đó phải băn khoăn, lo lắng.

Bịn rịn nhất là những năm con chị còn nhỏ. Đón Giao thừa, con thiếu mẹ cứ ngơ ngác, trong lúc những đứa trẻ khác được sum vầy, ấm áp bên bố mẹ chúng. Chị nghĩ lại chạnh lòng.

Tuy vậy, bước chân đến bệnh viện, bằng trách nhiệm công việc, chị nén lại mọi cảm xúc dành cho gia đình. “Càng làm việc trong đêm Giao thừa thì mình càng phải có trách nhiệm hơn, sao cho không xảy ra điều gì đáng tiếc trong thời điểm đầu năm mới,” chị Nga nói.

Chị Nguyễn Thị Liên, nữ hộ sinh của một bệnh viện Hà Đông thường phải đón Giao thừa tại bệnh viện. Việc làm duy nhất của chị trong ngày cuối năm cùng với gia đình là làm bữa cơm tất niên để mọi người sum họp.

Chị Liên cho biết: Trực giao thừa tại bệnh viện cũng nhận được quà lì xì, những lời chúc, liên hoan ngay tại phòng nhưng vẫn không vui bằng được ở bên cạnh người thân.

“Đón Tết tại bệnh viện không đầm ấm bằng ở nhà, nhưng được nhìn thấy những đứa trẻ ra đời, đón chào một công dân của đất nước, nhận được nhiều lời cảm ơn từ gia đình bệnh nhân, đó chính là niềm vui lớn nhất đối với những nữ hộ sinh như chúng tôi,” chị Liên cho biết thêm.

...Nhân lên niềm vui

Hạnh phúc sinh con đêm giao thừa không chỉ là niềm vui của các sản phụ mà còn là niềm vui chung của bác sĩ, hộ sinh sản khoa.

Đón đứa bé ra đời trong khoảnh khắc giao thừa, chị Nga cùng kíp trực của mình vỡ òa niềm vui, quên đi những thiệt thòi không được sum vầy với gia đình trong giây phút thiêng liêng đầu năm mới.

Chị Nga tâm sự về một kỷ niệm mà có lẽ chị và cả kíp trực của mình suốt đời vẫn không quên được. Trong đêm Giao thừa cách đây vài năm, khi đứa trẻ chào đời thì mẹ cháu lên cơn khó thở, tím tái mặt mày, nhịp tim yếu.

Ngay lập tức, tất cả các bác sĩ và hộ sinh có trong kíp trực đều dồn hết sức để giành giật sự sống cho sản phụ đó.

Sau hai giờ đồng hồ căng thẳng, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi tình trạng của bệnh nhân đã ổn định trở lại. Mặc dù đã qua thời khắc Giao thừa nhưng các y, bác sĩ cùng gia đình sản phụ vẫn hân hoan chào đón năm mới.

Không chỉ vậy, chị Nga còn cảm thấy rất vui bởi chị đã từng trực tiếp được làm rốn cho đứa trẻ đầu tiên  sinh tại Việt Nam của thế kỷ này. “Khi đón để làm rốn cho đứa trẻ đầu tiên của thế kỷ từ tay bác sĩ, tôi cảm thấy rất hân hoan và có chút gì đó hãnh diện,” chị tâm sự.

Giống như chị Nga, còn rất  nhiều những người hộ sinh vẫn âm thầm mang đến niềm vui cho đêm giao thừa. Họ làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn với cả tình thương và tâm phúc giúp người./.

Thúy Mơ - Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục