Nước Pháp tranh cãi về đề xuất kéo dài "tình trạng khẩn cấp"

Thủ tướng Pháp Manuel Valls ​ đã đề cập đến khả năng duy trì hiệu lực của "tình trạng khẩn cấp" đến mùa Xuân tới, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.
Nước Pháp tranh cãi về đề xuất kéo dài "tình trạng khẩn cấp" ảnh 1Lực lượng cảnh sát Pháp. (Nguồn: AFP)

Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC ngày 13/11, Thủ tướng Pháp Manuel Valls ​ đã đề cập đến khả năng duy trì hiệu lực của "tình trạng khẩn cấp" đến mùa Xuân tới, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố đồng thời đảm bảo an toàn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2017.

Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn phát biểu của Thủ tướng Valls cho rằng sẽ rất khó để có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh vào năm sau, Pháp sẽ tiến hành chiến dịch vận động tranh cử tổng thống kéo dài nhiều tuần với các cuộc míttinh tập trung đông người.

Ông Valls cũng nêu rõ quan điểm rằng các vụ tấn công liều chết được tổ chức thành nhiều nhóm với những kẻ thực hiện được huấn luyện tại Syria hay Iraq hiện ít khả năng xảy ra, thay vào đó có thể là những cuộc tấn công đơn độc trong đó thủ phạm được tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng "truyền cảm hứng" qua Internet và mạng xã hội giống như vụ tấn công bằng xe tải tại thành phố Nice hôm 14/7.

Đề xuất của Thủ tướng Valls ngay lập tức nhận được những ý kiến khác nhau trong chính giới Pháp.

Chủ tịch Ủy ban điều tra các cuộc tấn công khủng bố diễn ra trong năm 2015 của Quốc hội, Georges Fenech cho rằng tình trạng khẩn cấp có những "giới hạn" của nó.

Trước đó, Ủy ban điều tra của Quốc hội đã có báo cáo nhận xét rằng, việc áp dụng "tình trạng khẩn cấp," một biện pháp chống khủng bố đặc biệt, "có đem lại hiệu quả song kết quả hạn chế."

Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire, ứng cử viên tranh cử Tổng thống vòng sơ bộ thuộc đảng "Những người Cộng hòa", đã hoan nghênh quan điểm của Thủ tướng Valls.

Hôm 7/11, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve​ công bố một báo cáo cho biết trong 1 năm qua, việc áp dụng "tình trạng khẩn cấp" đã cho phép cơ quan chức năng tiến hành hơn 4.000 vụ khám xét hành chính, thẩm vấn 500 người, tống giam 426 đối tượng và quản thúc tại gia 95 nghi can khủng bố.

Các cuộc khám xét cũng đã giúp phát hiện gần 600 loại vũ khí.

Ngoài ra, từ đầu năm 2015 đến nay, nhà chức trách Pháp đã thực hiện 80 lệnh trục xuất công dân nước ngoài có liên quan đến phong trào thánh chiến.

Bên cạnh đó, 430 đối tượng là công dân Pháp, bị tình nghi muốn gia nhập các nhóm khủng bố hoạt động ở Trung Đông, cũng đã bị cấm rời khỏi đất nước./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục