OCOP: Những khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống

Tại những vùng nông thôn, làng nghề có không ít chủ thể chưa nắm bắt, hiểu rõ mục đích chương trình, hay những quy định, thủ tục hiện hành đang gây khó đối tượng tham gia...
Sản phẩm cói Tây An của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình) là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Sản phẩm cói Tây An của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình) là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Từ một địa phương là tỉnh Quảng Ninh phát kiến đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP) và nhân rộng Chương trình ra cả nước.

Hiệu quả của Chương trình trong 3 năm thực hiện đã được các phương tiện truyền thông, các địa phương ca ngợi.

Tuy nhiên, phía sau những thành công cũng đang bộc lộ những điểm nghẽn từ chính các địa phương - nơi triển khai chương trình.

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm bài "Chương trình OCOP: Điểm nghẽn từ chính sách đến cuộc sống" nhằm đem đến cho độc giả một góc nhìn khác về chương trình này cũng như các đề xuất, giải pháp cho chương trình giai đoạn tới.

Bài 1: Những khoảng cách

Là một chương trình mới có độ phủ rộng các vùng nông thôn cả nước, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 trong quá trình triển khai tại một số địa phương không tránh khỏi lúng túng.

Đi tới thực tế tại những vùng nông thôn, làng nghề có không ít chủ thể chưa nắm bắt, hiểu rõ mục đích chương trình hay những quy định, thủ tục hiện hành đang gây khó đối tượng tham gia... khiến khoảng cách từ chính sách đến thực tế trong chương trình vẫn còn cách xa.

Thờ ơ từ các chủ thể 

Sắp xếp những chiếc lọ hoa đủ kiểu dáng mang phong cách thời trang trên những giá hàng, chị Nguyễn Hồng Lan, chủ xưởng gốm sứ cao cấp Minh Long, ở xóm 2, Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ với chúng tôi chị không nắm bắt được các thông tin về Chương trình OCOP.

“Mình không quan tâm nhiều đến thông tin truyền thông lại không được địa phương tuyên truyền nên không biết đến chương trình này,” chị nói.

Đi sâu vào làng gốm, bước chân vào một nhà lò có tên Trung Thái, vợ chồng chủ xưởng gốm đang chăm chú làm việc. Người chồng tập trung tạo hình cho chiếc bình mộc, người vợ cẩn thận dán mẫu hoa văn cho một chiếc bình mộc khác để sau đó đưa vào lò nung. Người chồng cho biết, anh chỉ nghe đến Chương trình OCOP qua các chương trình truyền hình nhưng “đó là chương trình cho sản phẩm nông sản chứ,” anh nghi ngờ nói.

Đến một cửa hàng khá lớn tại thôn 1, chị Ngô Thị Thu Hương, chủ cửa hàng cũng khẳng định, OCOP là chương trình dành cho sản phẩm nông sản và chị chỉ nắm được thông tin này qua phương tiện thông tin truyền thông. 

[Giữ lửa cho làng nghề bánh tráng truyền thống ở Cù lao Mây]

Khá bất ngờ khi một Chương trình lớn của khu vực nông nghiệp nông thôn lại gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với tên Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 lại có những chủ thể không nắm bắt được.

Điều đáng nói, Hà Nội là nơi được đánh giá là có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước, có nhiều sáng tạo trong thực hiện chương trình và có tới 1.054 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, chiếm gần 1/4 tổng số sản phẩm OCOP của cả nước vẫn có những người thợ, nghệ nhân làm nghề ngay tại làng nghề gốm Bát Tràng nổi tiếng cả nước chưa quan tâm hoặc chưa hiểu rõ về nội dung chương trình. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số địa phương, nhiều chủ thể còn chưa nắm rõ các quy định, thủ tục, lợi ích khi tham gia chương trình hay vẫn còn những khoảng trống trong đánh giá chất lượng sản phẩm. Điều này phần nào gây nên những e ngại các chủ thể tiếp cận chương trình.

Nhiều mục đích lớn lao

Theo Quyết định 490/QĐ-TTg, Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương); gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chương trình tập trung phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong cơ chế thị trường.

Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân như doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau 3 năm thực hiện, đã có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể. Các sản phẩm này được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020. Trong đó, 1,7% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá có tiềm năng 5 sao.

Theo bộ này, ý nghĩa lớn nhất mà Chương trình OCOP mang lại là khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hoá truyền thống. Từng bước chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đánh giá, Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi đáng kể cho ngành nông nghiệp về chất lượng cũng như vị thế sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.

Trên nền tảng các sản phẩm OCOP tỉnh sẽ đầu tư quy hoạch các vùng trở thành có quy mô lớn, chất lượng đồng đều, đáp ứng thị trường xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh chế biến.

Chương trình OCOP cũng giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. Ngoài ra, Chương trình còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…

Nhiều sản phẩm OCOP được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki…

Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng đã tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Phá vỡ tư duy phong trào

Một chương mới với nhiều mục tiêu tốt đẹp đặt trong khu vực nông nghiệp nông thôn rộng lớn sẽ khó tránh khỏi những lúng túng hoặc chạy đua thành tích.

Chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn nhìn nhận, do là một chương trình mới, nên giai đoạn đầu triển khai OCOP, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất.

OCOP: Những khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống ảnh 1Cây phát lộc Minh Tân của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Minh Tân (Đông Hưng, Thái Bình) là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ngoài ra, chương trình mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, qua 3 năm triển khai, một số địa phương chưa chủ động vào cuộc, có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh của sản phẩm đặc trưng.

Nhìn vào danh sách kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của một số tỉnh, thành năm 2019, không khỏi có những suy nghĩ. Trong số 303 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao của thành phố Hà Nội có tới 123 sản phẩm rau, củ, chiếm 40% tổng sản phẩm; trong đó có những đơn vị có tới 18 sản phẩm rau, củ hữu cơ bằng số lượng sản phẩm OCOP của cả tỉnh Hà Nam.

Trong khi đó, theo chương trình sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm gồm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải-may mặc; lưu niệm-nội thất-trang trí; du lịch.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 tỉnh Nam Định, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Nam Định có 146 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 113 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, chiếm 92,4%; 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống chiếm 4,8%; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, du lịch nông thôn mỗi loại có 2 sản phẩm, chiếm tương đương 1,4% tổng số sản phẩm.

Anh Trần Văn Chính, chuyên viên Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định), cho biết, thế mạnh làng nghề Nam Định rất lớn với trên 100 làng nghề, được cấp tỉnh công nhận.

Tuy nhiên do nguồn nguyên liệu gỗ chưa tự chủ (xuất xứ nguyên liệu là một trong những tiêu chí quan trọng trong chấm điểm sản phẩm OCOP) nên tỉnh chưa đi sâu vào nhóm này. Sang giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ đi vào một số nhóm chủ lực để tập trung tư vấn hỗ trợ.

Để chương trình OCOP đi đúng hướng và không làm theo phong trào, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, muộn nhất vào tháng 6/2021.

Trong đó, phải tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững và phải xác định đây là chương trình mang tính dài hạn.

Trong quá trình triển khai, tuyệt đối không được làm theo phong trào. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Trong giai đoạn tới, chương trình tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao.

Cùng đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để chương trình có thể phủ sóng sâu rộng tới các chủ thể, các địa phương, tránh những hiểu lầm về chương trình, việc tăng cường tuyên truyền, thông tin qua các kênh rất quan trọng.

Từ đó khơi dậy sáng tạo của người dân phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục