Dương Thụ rất hay dỗi, lý do lắm khi chỉ mình ông và… giời biết, may ra thì có một thứ duy nhất không bị ông dỗi bao giờ, đó là thời gian, vì ông luôn cần nó, mà nó thì cũng lại hầu như chưa dám làm khó ông bao giờ. Bằng cách nào đó, ông đã vào vai “Người đàm phán” với thời gian một cách “ngoan cố” mà rất ổn.
"Đâu cũng... chẳng là nhà"
Dương Thụ là chúa xê dịch, nhưng lại không biết lái xe. Vì thế cả đời ông ngồi bên vôlăng của vợ. Ở vào cái tuổi “cổ lai hy,” nhẽ ra Dương Thụ có thể “rửa tay gác kiếm,” tậu một cơ ngơi để tĩnh dưỡng và tổng kết sự nghiệp như các bạn của ông.
Trong “bộ tứ Hà Nội” gồm Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến. thì nhạc sỹ Trần Tiến đã quyết định định cư ở Vũng Tàu sau nhiều năm du ca; nhà thơ Hoàng Hưng, bạn học cùng lớp Sư phạm Văn Hà Nội (chung khóa với Phạm Tiến Duật, Nghiêm Đa Văn, Tô Hoàng, Tô Nhuận Vỹ…) cũng đã quyết định dừng chân ở một căn hộ cao cấp nghe “Vũng Tàu biển hát.”
Dương Thụ cũng đã về Vũng Tàu, từ mấy năm nay, nhưng, căn hộ ở Vũng Tàu, cũng như vài ngôi nhà khác của ông (mà ông mua một cách khá tùy hứng, đôi lúc chỉ là trên đường đi, thấy yêu thích một ngôi nhà, một cái cây trong vườn, một hồ nước cạnh đấy, thế là gom tiền mua), lại không phải chốn tĩnh dưỡng mà chỉ để “ghé qua chơi,” “thư giãn” giữa công việc. Và ngay cả những lúc “thư giãn” ấy, người cũng vẫn kè kè laptop, iPad, iPhone…
Một người trẻ “đại lãn,” đang bế tắc mà gặp Dương Thụ thì rất có thể hoặc là anh ta sẽ được thức tỉnh, được khơi thông, hoặc sẽ càng “yếu bóng vía,” bởi cái người đàn ông 73 tuổi ấy, ông ta nhất quyết không chịu già. Ông làm việc với khối lượng và cường độ bận rộn của không phải một người trẻ bình thường, mà là một người trẻ giàu năng lượng và ham chuyển động.
Tháng nào cũng vậy, đều như vắt chanh, Dương Thụ bay ra bay vào Sài Gòn-Hà Nội, điều hành hai salon văn hóa với trung bình 6-7 sự kiện văn hóa hàng tuần ở hai thành phố (công việc này cũng khởi đầu cho phong trào tổ chức và phát triển những không gian giao lưu văn hóa tương tự ở Việt Nam trong mấy năm nay).
Cùng với đó là các dự án âm nhạc cho cộng đồng cùng các dự án âm nhạc riêng. Chả thế mà thỉnh thoảng ông lại bị vợ - cũng lái xe riêng kiêm chân “nhắc vở” - hờn mát: “Hay anh dọn lên quán mà ở đi” (vì cái tội mê “Càphê thứ Bảy” hơn nhà mình), “Sao anh không vào chùa mà tu tập, ở nhà làm gì?” (dạo tìm cách hỗ trợ cho việc thành lập Viện nghiên cứu Trần Nhân Tông và Văn hóa Lý Trần), hoặc nặng hơn, là cảnh báo: “Già rồi đấy, đừng cứ tưởng mình còn trẻ” (vì lâu lâu lại thấy “tòi ra” một dự án mới).
"Phù suy chứ không phù thịnh"
Khác với thời kỳ nhạc trẻ từng giúp đỡ nhiều tác giả ca khúc, nhiều ca sỹ trẻ tiềm năng, nay Dương Thụ tiếp tục hỗ trợ việc đưa ra ánh sáng những tài năng âm nhạc trẻ ở những lĩnh vực còn trong bóng tối và ít được sự quan tâm của công chúng, nhà nước, báo chí… Đó là lĩnh vực khí nhạc và ca khúc mang tính sáng tạo.
Một trong những dự án âm nhạc cho cộng đồng và gắn với giới trẻ đang được ông tâm huyết là tổ chức không gian cho các tác giả trẻ giới thiệu tác phẩm khí nhạc (đã chạy được gần 1 năm nay tại “Càphê thứ Bảy” ở Hà Nội), in tổng phổ tác phẩm cho các bạn trẻ này, trong đó rất nhiều bạn là các tài năng trẻ Việt Nam học ở nước ngoài về nhưng chưa có đất dụng võ giữa một đời sống âm nhạc chỉ thiên về ca khúc và gameshow.
Dự kiến là tròn 1 năm sẽ tổ chức một chương trình hòa nhạc riêng dành cho các tác giả trẻ (mùa Xuân 2016 tại Nhà hát Lớn), và sẽ làm định kỳ hàng năm.
Cũng còn một dự án âm nhạc cộng đồng nữa đang được xây dựng với một nhóm bạn trẻ 8X, 9X tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa phải là lúc công bố.
Rồi ngay cả dự án âm nhạc riêng là “Cửa sổ âm nhạc” làm hàng năm, ông cũng lại vẫn làm theo kiểu đầu tàu, lôi kéo các bạn trẻ cùng làm và đích thân làm cùng.
Xem ra, ông già 73 ấy còn lâu mới chịu thua cánh trẻ về sức lao động, sáng tạo và cả sức chơi nữa. Thế nên, đừng có bao giờ lấy làm lạ khi thấy cái ông “Bay vào ngày xanh” ấy cũng “bon chen” qua Thái Lan cổ vũ tuyển Việt Nam, rồi ngay sau đấy, lại lộn lại Việt Nam để xem Sting biểu diễn.
Một khi ngồi ôtô đường trường xuyên Việt còn không ngán, thì Dương Thụ đâu có xá gì việc ném mình lên máy bay, qua mấy nước, gần thì láng giềng, xa thì tận trời Tây, xem show ngoại, tỉ mẩn sưu tầm từng cái vé, brochure để về học tập…
“Jamaha - Đời thế mà vui”
Jamaha (Già mà ham) – đó có lẽ mới là… “quốc tịch” của cái ông suốt đời đi “Đánh thức tầm xuân” và tìm “suối nguồn tươi trẻ” này.
Bảo Dương Thụ “sính trẻ” chắc không “oan.” Ngược lại, giới trẻ cũng “sính” ông chẳng kém cho dù ông nổi tiếng khó tính như “quỷ,” không cẩn thận là bị cho “ăn mắng” ngay.
Nhưng về cơ bản, Dương Thụ cũng nổi tiếng mát tay. Mà điển hình nhất có lẽ là trường hợp của Nguyên Thảo, khi ông biết cô từ lúc còn là một đường nét chưa rõ hình hài, mà phải tinh nghề và tâm huyết lắm, mới nhìn ra được.
Hay như lúc này, là trường hợp của Trần Nguyễn Minh Đức, đang được dự cảm sẽ là một “Nguyên Thảo thứ hai,” khi cậu đánh liều làm quen ông bằng một album tự làm có tên “Ngày mưa, ngày xanh,” trong đó, Đức hát nhạc Dương Thụ theo phong cách thính phòng đương đại có pha chút jazz bằng một nhạc cảm trong sáng.
"Tôi nghĩ, cậu ấy hát bài của tôi như thế thì đúng là một người bạn của mình rồi," Dương Thụ cho hay.
Nhưng từ việc hát trong phòng thu với diễn ngoài sân khấu là cả một vấn đề, nên ông khuyến khích Đức tham gia chương trình Cửa sổ âm nhạc 3 “Bài hát ru mùa Đông” sẽ diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 13/12 tới, bên cạnh Bằng Kiều, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Khánh Linh, Hà Linh, ban nhạc Anh Em cùng dàn nhạc Hanoi Chamber Orchestra và hợp xướng thiếu nhi Young Hit Young Beat…
Ngoài ra, ông còn dự định sẽ cùng với Sơn “Mozart,” một bạn làm nhạc trẻ hiện đang du học âm nhạc ở châu Âu, làm album cho Minh Đức, định là sẽ làm theo phong cách thính phòng đương đại. Một “cơ hội trong mơ” với một người hát trẻ chưa từng được bất kỳ một show truyền hình thực tế nào xướng tên.
“Tôi không có khả năng hấp dẫn công chúng như những người bạn cùng lứa Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường… Tôi chỉ là thứ vỉa hè của ngôi nhà âm nhạc chính thống. Ít năm gần đây, cái 'vỉa hè tôi' thấy cũng có người đến ngồi. Khi được gần gũi, được chia sẻ, thấy ấm áp hơn, tự tin hơn, cũng thấy yêu 'cái vỉa hè' mình hơn. Tất nhiên chưa thể bay bổng được đâu, nhưng được nhảy nhót một tí, đi tới đi lui một tí, đời vì thế mà… vui lên một tí. Mong muốn như thế ở tuổi 73 kể ra cũng hơi bị tội nghiệp…” Dương Thụ hóm hỉnh.
“Tội nghiệp” kiểu Dương Thụ, tức là chưa bao giờ làm dưới một đầu việc, ngay trong cùng một thời điểm. “Sở dĩ tôi làm nhiều chương trình là vì muốn tham gia vào hoạt động âm nhạc một cái gì tử tế, không chạy theo tiền bạc hay danh lợi mà chỉ đơn giản, là đi tìm bạn, tìm những tiếng nói yêu thương. Nên âm nhạc của tôi, dẫu lắm bài buồn, thì âu cũng là cái buồn của một kẻ muốn được yêu, muốn có một cuộc sống xứng đáng…”
Thay vì sợ thời gian, Dương Thụ bảo ông sợ sự tăm tối và ủ rũ. Bằng ấy việc, ngần ấy thứ, ông bảo ông không bóc tách được cái nào là do ông chọn, hay chính là nó chọn ông, hoặc là do “dòng đời xô đẩy.” Chỉ biết là còn làm được thì làm tiếp thôi, coi như chưa đến lúc “tổng kết đời mình” - “một lộ trình sống quá phức tạp, lộn xộn và đôi khi trái khoáy” - như ông từng tự nhận./.