Là người muốn tìm đến hay với kẻ hiếu kỳ thì chỉ dẫn này quả là kỳ quặc và lãng mạn bậc nhất: đứng nhấm nháp que kem ở Tràng Tiền hoặc đang "nhâm nhi" quyển truyện trong hiệu Ngoại văn gần đó mà nghe theo hương thoang thoảng thuốc bắc dẫn dụ vào con ngõ 49, sẽ tới được nhà một trong tứ trụ viết thư pháp thành Thăng Long-Nguyễn Văn Bách.
Người từng ghi dấu ấn “múa bút” ba chữ “Văn Miếu Môn” trên cổng Tam Quan Văn Miếu, 17 câu đối ở Đền Hùng, 1.351 chữ bản “Bình Ngô đại cáo và mới đây là công trình đặc biệt gần 300 chữ toàn văn bản “Thiên đô chiếu” của vua Lý Thái Tổ, mừng Đại lễ Thăng Long–Hà Nội… lại khiêm nhường nhận mình là “Long Thành Lão Nhân”-ông già thành Thăng Long, hiệu Lỗ Công- tức người đần không bon chen danh lợi.
"Lên đồng" múa bút
Đến tư gia của cụ Bách có cảm giác trầm mặc, cổ kính như đứng trong ngôi nhà cổ của người Tàu.
Từ bức mành bằng cườm buông nhẫn nại nơi cửa chính, mùi thuốc bắc thoang thoảng quẩn quanh, đến bộ sách cổ chữ Hán được đặt chăm chút trên giá gỗ và bốn bề treo thư pháp được viết mộc ấm cúng hoặc phóng to, lồng kính sang trọng…
Cụ Bách chậm rãi bảo rằng: “Luyện chữ là việc cả đời. Ai không có tâm, đến với thư pháp, không có tính thiện thì chỉ là 'vẽ chữ' ra những tác phẩm vô hồn.”
Viết thì nhanh, nhưng phải nghĩ về chữ đó nhiều, chờ hôm mát mẻ, tâm hồn thư thái để nhấc bút thì nét chữ sẽ thanh, khoáng đạt. Có những chữ phải "múa" qua năm bữa nửa tháng mới khiến cụ tâm đắc.
Nhiều đôi câu đối, thơ Hán Nôm trên sách báo được cụ trình bày bằng lối chữ chân, được người gần xa hâm mộ tán thưởng là uyển chuyển, phóng khoáng và tạo được phép tắc của thư pháp truyền thống. Mỗi nét chữ mềm mại, biến hóa như "rồng bay phượng múa," khiến người dù không thông tường chữ Hán khi ngắm cũng phải bị hút hồn, mê thích.
“Nói thì có vẻ khoa trương, thần thánh hóa nhưng viết thư pháp ngoài tâm tĩnh còn phải có tâm cảnh, người bỗng thoát tục vào chốn tinh không như đang lên đồng vậy…
Bên ngoài trời thanh dịu gió, thư phòng phải đốt chút trầm thơm, lại cần hơi rượu cho chếnh choáng men say thì mới vận bút. Người cứ thế ngả nghiêng, thả hồn vào chữ, đầu óc bỗng quay cuồng, bàn tay mê mị múa bút. Từng nét chữ như dải lụa xõa tung, uốn lượn xuất thần. Viết xong chữ người cũng ướt sũng mồ hôi, tựa có lửa đốt trong lồng ngực…”
Với công trình linh thiêng, tráng lệ “Thiên đô chiếu” mới đây, cụ dành đến ba tháng để viết và phải ngồi thiền mỗi ngày cho tâm thanh tịnh, dồn hết tâm lực cho từng con chữ. Mỗi chữ đều có thần, được gò đồng, mạ vàng gắn trên nền sơn mài đẹp tựa "rồng bay phượng múa."
Trở lại với ba chữ “Văn Miếu Môn” trên cổng Tam quan Văn Miếu được cụ “múa bút” nhiều năm trước không chỉ là ba chữ Hán thông thường. Viết sao để hiện được cốt cách người Việt trong mặt chữ, bóng chữ.
Chữ viết yêu cầu phải cao đến hơn một mét, không có bút đại, ông phải lấy một nắm giẻ lớn, kết lại rồi nhúng vào mực, đưa cả cánh tay theo từng nét chữ. Qua thời gian, ba chữ “Văn Miếu Môn” vẫn được đánh giá đạt đến chuẩn mực của thời kỳ Nho giáo thịnh trị, nhiều người thông thạo chữ Hán khi chiêm ngưỡng vẫn lầm tưởng đó là chữ được viết từ cách đây hàng trăm năm.
Nhấp chén trà thoảng hương hoa ngâu ngoài ban công, thư pháp gia Nguyễn Văn Bách giảng giải: “Người viết thư pháp điêu luyện, có thần phải nhẩm tính độ to nhỏ của từng nét bút, hàng chữ sao cho cân đối. Hơn thế, phải nhập mình vào chữ, sống trong chữ, nét hiện trên giấy hư hư thực thực, chữ không còn là chữ mà ẩn hiện được lòng người và không gian vô biên.”
Chữ vận vào đời
Cụ Bách kể rằng gia đình mình đã ba đời nổi tiếng về nghề thuốc và chữ nghĩa. Cụ được làm quen với chữ Hán từ khi tóc còn để chỏm, đơn thuần là để đọc các tài liệu, vị thuốc Trung Quốc. Lên chín tuổi, cậu bé Bách được theo cha đi khắp các phố huyện và thị xã Hải Dương kiếm sống bằng nghề thuốc và viết chữ thuê.
Sau này, nghiệp thuốc theo cụ khi tham gia sáng lập và làm việc ở Viện Y học dân tộc. Ông đã khảo cứu, dịch cuốn "Những bài thuốc Nam hay" và cùng 26 vị túc nho khác dịch duyệt bộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh."
Viết chữ thư pháp lúc đó, ông chỉ xem là một thú vui lúc nhàn rỗi, cao hứng viết chơi tặng bè bạn, láng giềng mỗi độ xuân sang.
Làm người khó tránh khỏi luật "sinh, lão, bệnh, tử," năm 2002, cụ Bách bị tai biến, tưởng khó qua khỏi. Từ đó, cụ truyền lại nghề bốc thuốc cho con trai cả và chuyên tâm vào luyện chữ dưỡng tâm, đàm đạo chữ nghĩa với bằng hữu hoặc giảng giải cho lớp hậu sinh.
Lên thư các của “ông già viết chữ thành Thăng Long,” hiệu Lỗ Công nức tiếng cũng là một không gian Tàu thu nhỏ, nép mình trên tầng cao. Khắp chốn bề bộn thật nhiều sách chữ Hán và khó mà đếm xuể các loại bút lông to nhỏ, bức thư pháp còn dở dang.
Cảm giác bình an, thanh nhàn khi ngắm bức thư pháp cỡ đại đề hai chữ "Thanh tịnh” viết trên nền xanh nền nã được gia chủ âu yếm lồng kính, bao khung gỗ chạm trổ tinh xảo, treo lên vị trí trang trọng. Cụ Bách giảng giải đó như phép sống đắc nhân tâm giữa đời thực.
Miên man chìm trong không gian thư pháp, hướng mắt xuống thấp một chút là bốn chữ “Thiên tại nhất thì” tức nghìn năm một thủa đất Thăng Long. Chữ “thương” nghĩa là màu xanh cây tùng chính nhân quân tử của kẻ sĩ được viết đầy vẻ kiêu hãnh giữa chiếc đĩa gốm cổ. Cạnh bức thư pháp "Bình ngô đại cáo" gợi về hào khí lịch sử là bốn chữ “Lạc thiện đồng nhân” được viết đầy dạn dĩ như cách để ông tự răn mình sống không màng danh lợi, chỉ vui niềm vui chung của nhân gian.
Đã qua lâu cái tuổi bát thập, đôi tai phải nói thật lớn tiếng mới nghe được bập bõm nhưng cụ Bách vẫn vững bàn tay điệu nghệ múa bút mỗi khi có người đến xin chữ.
Cụ Bách bảo, cho chữ không phải là chuyện dễ, hễ quý mến thì cho như việc biếu món quà, gói bánh. Khi cho chữ ai, cụ Bách thường phải suy ngẫm xem người đó nên treo chữ nào thì hợp, khi treo mới có ý nghĩa. Qua chữ mà người ta hiểu được cốt cách, tâm hồn và nguyện vọng của gia chủ.
Vội hỏi: “Cháu tên Thơ, tuổi hổ, làm báo nên xin chữ gì?” Cụ ngước lên không trung, nhắm nghiền bầu mắt, miên man: “Phải là chữ phong, 'phong tòng hổ, vân tòng rồng.' Phong là gió, gió theo hổ là tốt cháu ạ… Làm báo lấy chữ an để chân cứng đã mềm. Chữ cương khiến một chữ viết ra phải cứng và sáng tựa bút sắt lòng trong.”
Người xưa vẫn bảo “nhất chữ nhì tranh”, nói như vậy không có nghĩa chữ hơn tranh, thư pháp có thần thì họa được ẩn trong chữ. Cụ Bách kể mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người phụ nữ tìm đến xin cụ cho chữ về treo, cầu an lành và may mắn.
“Có cô nói, Tết là thời khắc người người hân hoan niềm vui, ước vọng xum họp, phải có được bức thư pháp chữ phúc hoặc chữ an để treo. Nhiều phụ nữ trẻ, tân thời còn bộc bạch dù không tỏ hết nghĩa trong nét chữ nhưng có thư pháp trên nền giấy đỏ được đóng khung, lồng kính treo giữa nhà cũng cảm thấy nền nếp gia phong, ấm cúng và an lành biết bao.”
Chăm chút cây tùng cảnh trên thềm đá, cụ Bách mộc mạc nói đời mình chỉ vận vào ba chữ, dù không biết bao nhiêu lần bàn tay ông hằn dấu “múa bút” trên đất Thăng Long và trong mỗi nếp nhà chốn nhân gian.
Giọng ông trầm, hào sảng: "Lỗ Công tôi thích chữ 'hương' dạn dĩ nhưng bền bỉ tựa như tự nhiên, sống trong chữ 'thương' tức màu xanh cây tùng, cốt cách quân tử của kẻ sỹ. Theo chữ 'chân' khởi nguồn giá trị của chân – thiện- mỹ", bỗng như thấy ẩn hiện một bức họa trong chữ về "ẩn sỹ" tự giễu mình là người "đần" đang thầm lặng, bền bỉ "múa bút" giữ lại cho đời và hậu thế một nền văn hiến ngày càng trở nên hiếm hoi, thưa vắng.../.
Người từng ghi dấu ấn “múa bút” ba chữ “Văn Miếu Môn” trên cổng Tam Quan Văn Miếu, 17 câu đối ở Đền Hùng, 1.351 chữ bản “Bình Ngô đại cáo và mới đây là công trình đặc biệt gần 300 chữ toàn văn bản “Thiên đô chiếu” của vua Lý Thái Tổ, mừng Đại lễ Thăng Long–Hà Nội… lại khiêm nhường nhận mình là “Long Thành Lão Nhân”-ông già thành Thăng Long, hiệu Lỗ Công- tức người đần không bon chen danh lợi.
"Lên đồng" múa bút
Đến tư gia của cụ Bách có cảm giác trầm mặc, cổ kính như đứng trong ngôi nhà cổ của người Tàu.
Từ bức mành bằng cườm buông nhẫn nại nơi cửa chính, mùi thuốc bắc thoang thoảng quẩn quanh, đến bộ sách cổ chữ Hán được đặt chăm chút trên giá gỗ và bốn bề treo thư pháp được viết mộc ấm cúng hoặc phóng to, lồng kính sang trọng…
Cụ Bách chậm rãi bảo rằng: “Luyện chữ là việc cả đời. Ai không có tâm, đến với thư pháp, không có tính thiện thì chỉ là 'vẽ chữ' ra những tác phẩm vô hồn.”
Viết thì nhanh, nhưng phải nghĩ về chữ đó nhiều, chờ hôm mát mẻ, tâm hồn thư thái để nhấc bút thì nét chữ sẽ thanh, khoáng đạt. Có những chữ phải "múa" qua năm bữa nửa tháng mới khiến cụ tâm đắc.
Nhiều đôi câu đối, thơ Hán Nôm trên sách báo được cụ trình bày bằng lối chữ chân, được người gần xa hâm mộ tán thưởng là uyển chuyển, phóng khoáng và tạo được phép tắc của thư pháp truyền thống. Mỗi nét chữ mềm mại, biến hóa như "rồng bay phượng múa," khiến người dù không thông tường chữ Hán khi ngắm cũng phải bị hút hồn, mê thích.
“Nói thì có vẻ khoa trương, thần thánh hóa nhưng viết thư pháp ngoài tâm tĩnh còn phải có tâm cảnh, người bỗng thoát tục vào chốn tinh không như đang lên đồng vậy…
Bên ngoài trời thanh dịu gió, thư phòng phải đốt chút trầm thơm, lại cần hơi rượu cho chếnh choáng men say thì mới vận bút. Người cứ thế ngả nghiêng, thả hồn vào chữ, đầu óc bỗng quay cuồng, bàn tay mê mị múa bút. Từng nét chữ như dải lụa xõa tung, uốn lượn xuất thần. Viết xong chữ người cũng ướt sũng mồ hôi, tựa có lửa đốt trong lồng ngực…”
Với công trình linh thiêng, tráng lệ “Thiên đô chiếu” mới đây, cụ dành đến ba tháng để viết và phải ngồi thiền mỗi ngày cho tâm thanh tịnh, dồn hết tâm lực cho từng con chữ. Mỗi chữ đều có thần, được gò đồng, mạ vàng gắn trên nền sơn mài đẹp tựa "rồng bay phượng múa."
Trở lại với ba chữ “Văn Miếu Môn” trên cổng Tam quan Văn Miếu được cụ “múa bút” nhiều năm trước không chỉ là ba chữ Hán thông thường. Viết sao để hiện được cốt cách người Việt trong mặt chữ, bóng chữ.
Chữ viết yêu cầu phải cao đến hơn một mét, không có bút đại, ông phải lấy một nắm giẻ lớn, kết lại rồi nhúng vào mực, đưa cả cánh tay theo từng nét chữ. Qua thời gian, ba chữ “Văn Miếu Môn” vẫn được đánh giá đạt đến chuẩn mực của thời kỳ Nho giáo thịnh trị, nhiều người thông thạo chữ Hán khi chiêm ngưỡng vẫn lầm tưởng đó là chữ được viết từ cách đây hàng trăm năm.
Nhấp chén trà thoảng hương hoa ngâu ngoài ban công, thư pháp gia Nguyễn Văn Bách giảng giải: “Người viết thư pháp điêu luyện, có thần phải nhẩm tính độ to nhỏ của từng nét bút, hàng chữ sao cho cân đối. Hơn thế, phải nhập mình vào chữ, sống trong chữ, nét hiện trên giấy hư hư thực thực, chữ không còn là chữ mà ẩn hiện được lòng người và không gian vô biên.”
Chữ vận vào đời
Cụ Bách kể rằng gia đình mình đã ba đời nổi tiếng về nghề thuốc và chữ nghĩa. Cụ được làm quen với chữ Hán từ khi tóc còn để chỏm, đơn thuần là để đọc các tài liệu, vị thuốc Trung Quốc. Lên chín tuổi, cậu bé Bách được theo cha đi khắp các phố huyện và thị xã Hải Dương kiếm sống bằng nghề thuốc và viết chữ thuê.
Sau này, nghiệp thuốc theo cụ khi tham gia sáng lập và làm việc ở Viện Y học dân tộc. Ông đã khảo cứu, dịch cuốn "Những bài thuốc Nam hay" và cùng 26 vị túc nho khác dịch duyệt bộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh."
Viết chữ thư pháp lúc đó, ông chỉ xem là một thú vui lúc nhàn rỗi, cao hứng viết chơi tặng bè bạn, láng giềng mỗi độ xuân sang.
Làm người khó tránh khỏi luật "sinh, lão, bệnh, tử," năm 2002, cụ Bách bị tai biến, tưởng khó qua khỏi. Từ đó, cụ truyền lại nghề bốc thuốc cho con trai cả và chuyên tâm vào luyện chữ dưỡng tâm, đàm đạo chữ nghĩa với bằng hữu hoặc giảng giải cho lớp hậu sinh.
Lên thư các của “ông già viết chữ thành Thăng Long,” hiệu Lỗ Công nức tiếng cũng là một không gian Tàu thu nhỏ, nép mình trên tầng cao. Khắp chốn bề bộn thật nhiều sách chữ Hán và khó mà đếm xuể các loại bút lông to nhỏ, bức thư pháp còn dở dang.
Cảm giác bình an, thanh nhàn khi ngắm bức thư pháp cỡ đại đề hai chữ "Thanh tịnh” viết trên nền xanh nền nã được gia chủ âu yếm lồng kính, bao khung gỗ chạm trổ tinh xảo, treo lên vị trí trang trọng. Cụ Bách giảng giải đó như phép sống đắc nhân tâm giữa đời thực.
Miên man chìm trong không gian thư pháp, hướng mắt xuống thấp một chút là bốn chữ “Thiên tại nhất thì” tức nghìn năm một thủa đất Thăng Long. Chữ “thương” nghĩa là màu xanh cây tùng chính nhân quân tử của kẻ sĩ được viết đầy vẻ kiêu hãnh giữa chiếc đĩa gốm cổ. Cạnh bức thư pháp "Bình ngô đại cáo" gợi về hào khí lịch sử là bốn chữ “Lạc thiện đồng nhân” được viết đầy dạn dĩ như cách để ông tự răn mình sống không màng danh lợi, chỉ vui niềm vui chung của nhân gian.
Đã qua lâu cái tuổi bát thập, đôi tai phải nói thật lớn tiếng mới nghe được bập bõm nhưng cụ Bách vẫn vững bàn tay điệu nghệ múa bút mỗi khi có người đến xin chữ.
Cụ Bách bảo, cho chữ không phải là chuyện dễ, hễ quý mến thì cho như việc biếu món quà, gói bánh. Khi cho chữ ai, cụ Bách thường phải suy ngẫm xem người đó nên treo chữ nào thì hợp, khi treo mới có ý nghĩa. Qua chữ mà người ta hiểu được cốt cách, tâm hồn và nguyện vọng của gia chủ.
Vội hỏi: “Cháu tên Thơ, tuổi hổ, làm báo nên xin chữ gì?” Cụ ngước lên không trung, nhắm nghiền bầu mắt, miên man: “Phải là chữ phong, 'phong tòng hổ, vân tòng rồng.' Phong là gió, gió theo hổ là tốt cháu ạ… Làm báo lấy chữ an để chân cứng đã mềm. Chữ cương khiến một chữ viết ra phải cứng và sáng tựa bút sắt lòng trong.”
Người xưa vẫn bảo “nhất chữ nhì tranh”, nói như vậy không có nghĩa chữ hơn tranh, thư pháp có thần thì họa được ẩn trong chữ. Cụ Bách kể mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người phụ nữ tìm đến xin cụ cho chữ về treo, cầu an lành và may mắn.
“Có cô nói, Tết là thời khắc người người hân hoan niềm vui, ước vọng xum họp, phải có được bức thư pháp chữ phúc hoặc chữ an để treo. Nhiều phụ nữ trẻ, tân thời còn bộc bạch dù không tỏ hết nghĩa trong nét chữ nhưng có thư pháp trên nền giấy đỏ được đóng khung, lồng kính treo giữa nhà cũng cảm thấy nền nếp gia phong, ấm cúng và an lành biết bao.”
Chăm chút cây tùng cảnh trên thềm đá, cụ Bách mộc mạc nói đời mình chỉ vận vào ba chữ, dù không biết bao nhiêu lần bàn tay ông hằn dấu “múa bút” trên đất Thăng Long và trong mỗi nếp nhà chốn nhân gian.
Giọng ông trầm, hào sảng: "Lỗ Công tôi thích chữ 'hương' dạn dĩ nhưng bền bỉ tựa như tự nhiên, sống trong chữ 'thương' tức màu xanh cây tùng, cốt cách quân tử của kẻ sỹ. Theo chữ 'chân' khởi nguồn giá trị của chân – thiện- mỹ", bỗng như thấy ẩn hiện một bức họa trong chữ về "ẩn sỹ" tự giễu mình là người "đần" đang thầm lặng, bền bỉ "múa bút" giữ lại cho đời và hậu thế một nền văn hiến ngày càng trở nên hiếm hoi, thưa vắng.../.
Cẩm Thơ (Vietnam+)