Tuần lễ Thương mại Điện tử sẽ đem đến những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm đồng thời xây dựng một mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho Thương mại Điện tử.
Thông tin trên được bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi Họp báo giới thiệu và cung cấp thông tin chính thức về Chương trình Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam-Online Friday 2023 do đơn vị này tổ chức ngày 16/11, tại Hà Nội.
Chính thức kích hoạt Tháng Khuyến mại Hà Nội với nhiều ưu đãi hấp dẫn
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Ngày mua sắm trực tuyến-Online Friday là Chương trình Quốc gia, có quy mô lớn, mang lại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng cơ hội quảng bá thương hiệu và bán hàng hiệu quả.
Trong 10 năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức Chương trình này và được đông đảo người tiêu dùng xem như “mùa mua sắm trực tuyến đặc biệt” trong năm.
Đây là 1 trong những hoạt động nổi bật, nằm trong các chương trình, nhiệm vụ của Chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 20/5/2020.
“Chặng đường tuy chưa dài nhưng cũng đủ để khẳng định được vai trò kết nối, hợp tác, hỗ trợ của cơ quan chính phủ với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hạ tầng, các cơ quan đơn vị truyền thông cùng hợp tác nhằm thúc đẩy lĩnh vực Thương mại Điện tử nhằm góp phần cho sự phát triển của nền kinh tế số theo định hướng của Chính phủ,” bà Lê Hoàng Oanh khẳng định.
Để Chương trình ngày càng đi vào thực chất hơn, đạt được nhiều hiệu quả tích cực hơn, lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng, đón bắt nhu cầu của người tiêu dùng dịp cuối năm.
Bà Oanh cho hay thời gian tới Chương trình sẽ tiếp tục hướng đến những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, hướng đến xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mại thực chất, các chương trình đồng hành nghiêm túc của các nhãn hàng, doanh nghiệp, sàn Thương mại Điện tử lớn và các nền tảng hỗ trợ bán hàng.
Lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số mong muốn các doanh nghiệp trong đó có các sàn thương mại điện tử, các đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng hỗ trợ thanh toán đảm bảo trong Thương mại Điện tử, logistics chuyển phát và đặc biệt là cơ quan truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam-Online Friday 2023 để góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số theo định hướng của Chính phủ về phát huy lợi thế công nghệ, đón bắt cơ hội đem lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.
“Bộ Công Thương cũng sẽ luôn đồng hành để tất cả các doanh nghiệp trên khắp cả nước tiếp tục có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng cũng dễ dàng được chọn lựa hàng hóa giá tốt, phù hợp với nhu cầu,” bà Oanh nói.
Theo đại diện Ban tổ chức, trong 10 năm qua, Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday đã trở thành một sự kiện rất quen thuộc của doanh nghiệp và người dân trên cả nước.
Năm nay Ban Tổ chức đã có những kế hoạch hành động thiết thực và kịp thời hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Để tri ân doanh nghiệp, người tiêu dùng đã ủng hộ OnlineFriday những năm vừa qua, Ban Tổ chức Chương trình "Tuần lễ Thương mại Điện tử Quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam-Online Friday 2023" phối hợp với các đơn vị, như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki, VNPAY, ZaloPay, Viettel Post, VnPost, ACCESSTRADE… tập trung vào các hoạt động hướng đến nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng và giúp các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, dịch vụ ứng dụng Thương mại Điện tử, tăng trưởng doanh số và phát triển bền vững.
Đáng chú ý, năm nay Ban Tổ chức đã có những kế hoạch hành động thiết thực và kịp thời hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Cụ thể, ngay tại sự kiện của Chương trình, cơ quan quản lý và các sàn Thương mại Điện tử, trung gian thanh toán, ngân hàng… sẽ cam kết chung tay xây dựng thị trường Thương mại Điện tử bền vững trong Tuần lễ Thương mại Điện tử Quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday.
Từ sự chung tay này, các sàn Thương mại Điện tử, doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cùng nhau triển khai nhiều giải pháp cam kết về chất lượng hàng hóa để mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng và mua sắm.
“Một khi tạo được niềm tin cho người người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến, doanh nghiệp cũng sẽ có thêm cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ trên các nền tảng Thương mại Điện tử, mở rộng thị trường cũng như được tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm qua môi trường trực tuyến, ứng dụng các giải pháp số chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,” đại diện Ban Tổ chức cho biết thêm.
Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 27/11/2023 đến ngày 3/12/2023; Chương trình 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam-Online Friday 2023 sẽ bắt đầu diễn ra từ 0 giờ thứ Sáu ngày 1/12/2023 đến 12 giờ ngày 3/12/2023 trên TikTok.
Với mục tiêu tiếp cận khoảng 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng của chương trình, 3 triệu đơn hàng được chốt, 10 triệu người tiếp cận với Chương trình, 500 nhãn hàng và 3.000 doanh nghiệp tham gia trong 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam-Online Friday 2023, Ban Tổ chức Chương trình kỳ vọng chương trình năm nay sẽ là một điểm sáng trong bức tranh chung của lĩnh vực Thương mại Điện tử cũng như Kinh tế Số tại Việt Nam./.