Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 18/1 cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao vào năm 2022 và vượt qua tình trạng gián đoạn trong ngắn hạn do dịch COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, nhóm các nhà sản xuất dầu hàng đầu do Saudi Arabia đứng đầu cảnh báo các biến thể mới trong tương lai và các hạn chế đi lại do đại dịch gây ra có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Dự báo khả quan trên được đưa ra trong bối cảnh giá dầu Brent Biển Bắc đạt mức cao nhất kể từ năm 2014.
Sự lây lan nhanh của biến thể Omicron trên thế giới đã buộc các quốc gia phải tái áp đặt các lệnh cấm đi lại và hạn chế xã hội sau khi biến thể này được phát hiện hồi tháng 11/2021.
Các nghiên cứu đã cho thấy biến thể này có khả năng lây truyền cao, nhưng ít gây ra triệu chứng nặng hơn, mang tới sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế bền vững vào năm 2022, qua đó thúc đẩy nhu cầu dầu.
[Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua]
Báo cáo thị trường dầu hàng tháng của OPEC đã đưa ra "dự báo nhu cầu dầu mạnh mẽ," với ước tính mức tăng nhu cầu dầu không thay đổi so với dự đoán trước đó là 4,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Tổng mức tiêu thụ dầu toàn cầu dự kiến đạt 100,8 triệu thùng/ngày trong năm 2022. OPEC dự đoán tác động của biến thể Omicron "nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn," song cho biết "những lo ngại đối với sự xuất hiện của các biến thể mới trong tương lai và hạn chế đi lại vẫn còn, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi ổn định."
Báo cáo cũng cho biết thị trường dầu "dự kiến sẽ vẫn được hỗ trợ tốt trong suốt năm 2022," bất chấp "tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, các vấn đề thương mại đang diễn ra và tác động của chúng đối với nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và giao thông”./.