Open Banking: Xu hướng tất yếu để mở rộng Hệ Sinh thái Số

Open Banking là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, giúp Chuyển đổi Số thành công lĩnh vực ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều ngày 7/12/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức hội thảo "Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở."

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết một trong những công nghệ đột phá gắn với Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo. Open Banking - Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

“Tôi cho rằng Chuyển đổi Số của ngành Ngân hàng là khách hàng sử dụng được tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch. Về khía cạnh kỹ thuật, Chuyển đổi Số là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội,” Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.

img-275220231207150637-4455.jpg
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Phó Thống đốc, để làm được câu chuyện thanh toán hoá đơn liền mạch như hiện nay, ngành Điện lực phải mất khoảng 5 năm để tổng hợp số liệu và cho phép các ngân hàng tích hợp vào dữ liệu đó.

Phó Thống đốc cho biết trong ngành Ngân hàng có VietinBank và BIDV đã triển khai Open API cho phép các đối tác của mình vào để kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu… Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng chứ chưa có chuẩn chung.

Chung quan điểm về xu hướng Chuyển đổi Số tất yếu của ngành ngân hàng, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng sự hình thành của những ngân hàng mở/Open Bank là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đây sẽ là một trong những mô hình đột phá công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình phát triển số theo hướng thông minh và cởi mở, giúp Chuyển đổi Số thành công lĩnh vực ngân hàng

Đề cập về thực trạng ứng dụng ngân hàng mở tại Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết 72,3% tổ chức tín dụng đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó 47,6% đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối (external API). Khoảng 65% các tổ chức tín dụng sẵn sàng triển khai Open API, trong đó trên 30% tổ chức tín dụng có mức độ sẵn sàng cao đối với Open API.

Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các API cho phép các bên thứ ba kết nối, triển khai API Portal để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp giải pháp ứng dụng open API như: Open API Connect của IBM, WS02 open source, APIGee của Google, Open API Connect của IBM.

1b7e4ce3-4156-4f5b-b499-c6e91340e2c8-9310.jpg
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Triển khai Open API từ năm 2017, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết áp dụng Open Banking, ngân hàng đã thiết lập hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, mở rộng dịch vụ sản phẩm, khai thác tệp khách hành mới. Đặc biệt, trải nghiệm giao dịch tài chính của khách hàng được nâng cao, tiết kiệm chi phí giao dịch qua trung gian, quản lý tài chính tốt hơn.

Theo các chuyên gia Open Banking - Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý, trong đó, rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) các nội dung về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ…; tiếp tục nâng cấp phát triển, tăng cường tính an toàn bảo mật và khả năng tích hợp kết nối của các hạ tầng công nghệ của toàn ngành; khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và xây dựng, phát triển API mở và kết nối với các đối tác để cung ứng sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục