Ôtô lắp ráp trong nước giữ giá, khách hàng chờ xe nhập khẩu

Sau gần 3 tháng giảm thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, thị trường ôtô trong nước mới ghi nhận một doanh nghiệp nhập được xe và công bố giá bán sớm.
Ôtô lắp ráp trong nước giữ giá, khách hàng chờ xe nhập khẩu ảnh 1Xe ôtô thành phẩm tại Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai-Trường Hải (Quảng Nam). (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Sau gần 3 tháng giảm thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, thị trường ôtô trong nước mới ghi nhận một doanh nghiệp nhập được xe và công bố giá bán sớm. Nhiều người tiêu dùng lại tiếp tục chờ đợi thêm mấy tháng để có cơ hội mua xe giá rẻ theo thuế.

Do những vướng mắc trong điều kiện kinh doanh mới tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP, trong đó có yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp giấy chứng nhận kiểu loại ôtô (VTA) xuất khẩu sang Việt Nam, nên hai tháng đầu năm 2018 toàn thị trường ôtô không ghi nhận được lô xe nhập khẩu nào.

Bước sang đầu tháng 3, toàn thị trường chỉ ghi nhận lô xe của Honda khoảng 2.000 chiếc với 4 mẫu xe được nhập khẩu từ Thái Lan về phân phối.

Đây cũng là lô xe nhập khẩu nguyên chiếc đầu tiên về Việt Nam kể từ khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0% từ đầu năm nay.

Khi Honda Việt Nam công bố giá bán lẻ 4 mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc là CR-V, Civic, Jazz, Accord và cho biết sẽ giao xe trong quý 2/2018; trong đó có mẫu CR-V 2018 với 3 phiên bản, giá bán cho bản cao cấp nhất là 1.5L ở mức 1,068 tỷ đồng, bản 1.5G là 998 triệu, bản thấp cấp là 1.5E là 958 triệu đồng.

Với công bố trên, CR-V mới rẻ hơn 178 triệu đồng với bản thấp cấp và 188 triệu đồng với bản cao cấp so với giá bán của lô xe nhập khẩu cuối năm 2017 khi vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 30%, đã phần nào giải tỏa “cơn khát” mua xe cho những khách hàng ưa chuộng dòng xe này.

Anh Phạm Văn Tuấn ở phố Giang Văn Minh (Hà Nội) cho hay, anh từng gắn bó với dòng xe CR-V nhiều năm nay và có ý định đổi xe mới từ cuối năm ngoái, nhưng bận công tác nên lô xe Honda mở bán đầu năm 2018 không thể mua được nên đến nay vẫn phải đi xe cũ.

Cùng tình cảnh với anh Tuấn, anh Thế Tuyến ở phố Xã Đàn chia sẻ: “Trong lúc đang có ý định chuyển sang mua xe Mazda CX-5 hoặc Nissan X-Trail cũng là lúc nghe thông tin lô xe CR-V 2018 mới về với giá rẻ hơn gần 200 triệu đồng tôi đã kịp làm thủ tục đặt xe.

[Triển vọng thị trường ôtô Việt Nam khi cắt giảm thuế nhập khẩu]

Đại lý thông báo sẽ nhận xe trong quý tới chưa biết ngày nào bàn giao xe nhưng mua được giá rẻ là vui rồi. Nếu tôi mua được xe hồi đầu năm, giờ giá xe giảm coi như mất đứt gần 200 triệu đồng”...

Một số đại lý ôtô Honda trên địa bàn Hà Nội cho biết, với giá xe CR-V lô sau về rẻ hơn lô trước gần 200 triệu đồng, từ khi nghe thông tin xe sắp về nhiều khách hàng đã tìm đến đặt mua nên nguồn cung còn ít.

Với những khách hàng đã ký hợp đồng, CR-V bản E thấp cấp có thể giao xe trong tháng 5 tới, còn bản cao cấp L sẽ chậm thêm khoảng một tháng. Khách hàng giờ mới làm thủ tục có thể phải chờ lô xe sau mới có xe để bàn giao.

Trong lô xe nhập khẩu khoảng 2.000 xe này của Honda, có “tân binh” Jazz - mẫu xe cỡ nhỏ với 3 phiên bản V, VX, RS có giá bán lần lượt là 538, 589 và 619 triệu đồng. So với tại thị trường Thái Lan, các phiên bản này tương đương 532, 500 và 471 triệu đồng, không chênh lệch về giá đến cả trăm triệu đồng như nhiều đồn đoán trước đây...

Trong bối cảnh khách hàng chờ thêm mấy tháng để mua và nhận xe mới nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực thì hầu hết giá bán các dòng xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn “bình chân như vại”, trái ngược với những cuộc đua giảm giá để kích cầu như những tháng cuối năm 2017.

Thậm chí cuối tháng 2 vừa qua một số mẫu xe bán chạy trên thị trường như Kia Morning, Cerato, Optima, Sedona hay Mazda CX-5 2018, BT-50 doanh nghiệp lại tăng giá bán từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Dạo qua thị trường ôtô Hà Nội cho thấy, sau khi Honda công bố giá bán xe nhập khẩu, ngoại trừ Chevrolet giảm giá từ 15 triệu đến 60 triệu đồng để kích cầu thị trường thì hầu hết các mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn giữ nguyên giá bán hoặc có giảm nhưng không đáng kể.

Theo lý giải của nhân viên bán hàng Nissan, Ford, Toyota... giá bán hiện nay của các dòng xe sản xuất lắp ráp trong nước đã được doanh nghiệp công bố từ tháng 11 năm ngoái và áp dụng cho đến nay nên không thể giảm thêm. Nếu có điều chỉnh phải chờ thông báo từ nhà sản xuất.

Như vậy, thị trường ôtô Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại mới có Honda Việt Nam hoàn tất thủ tục về giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường đối với loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp (VTA) theo yêu cầu của Nghị định 116.

Honda Việt Nam cho biết, lô xe này đã và đang được thông quan tại hai cảng Tp. Hồ Chí Minh và Hải Phòng để sớm có xe bán ra thị trường.

Theo giới chuyên doanh, khi Chính phủ Thái Lan đã cung cấp giấy VTA cho Honda cũng có thể cung cấp cho các hãng khác để nhập khẩu ôtô vào Việt Nam theo quy định của Nghị định 116. Ngoài Thái Lan, đến lượt Indonesia cũng sẽ cấp giấy VTA cho ôtô xuất khẩu sang Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài Honda, hiện nay chưa có doanh nghiệp khác công bố nhập xe từ các thị trường này về, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Có thể từ cuối Quý II các doanh nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu Nghị định 116, khi đó xe nhập khẩu mới có thể “rủ nhau” về nước.

Cũng liên quan đến những vướng mắc của Nghị 116/2017/NĐ-CP khiến doanh nghiệp không nhập khẩu được xe về, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp với doanh nghiệp, hiệp hội về tình hình thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP.

Theo đó, Chính phủ khẳng định quan điểm đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước - ngoài nước mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Với một số ý kiến phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116 liên quan đến sản xuất, nhập khẩu ôtô, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương phối hợp, chủ trì hoặc đồng chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó là kiểm soát nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN đảm bảo đáp ứng nghiêm các điều kiện được hưởng thuế suất bằng 0%; tổ chức ngay các đoàn đi khảo sát, kiểm tra thực tế để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (nếu có)...

Giới chuyên doanh đánh giá, với việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc gỡ vướng cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ôtô sẽ đáp ứng các yêu cầu về công bằng, minh bạch.

Cụ thể, Chính phủ yêu phải từng bước đáp ứng nhu cầu ôtô của thị trường, đồng thời phải bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và đảm bảo tốc độ gia tăng phương tiện phù hợp với hệ thống hạ tầng.

Cũng theo giới chuyên doanh, cùng với chỉ đạo chỉ đạo điều hành của Chính phủ,  khi xe ô tô nhập khẩu theo diện được hưởng thuế ưu đãi 0% về nước, giá xe sẽ giảm từ 20-25%.

Qua đó, sẽ tác động đến xe sản xuất lắp ráp trong nước, buộc các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước phải giảm giá theo như cuối năm 2017 để tăng tính cạnh tranh và thiết lập mặt bằng giá thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục