Ngày 18/11, Palestine lần đầu tiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và tuyên bố thời khắc này là một bước đi mới trong quá trình tìm kiếm sự công nhận đầy đủ của tổ chức lớn nhất thế giới.
Các thành viên Đại hội đồng đã bày tỏ hoan nghênh khi Đại sứ Palestine Riyad Mansour bỏ phiếu bầu một thẩm phán của Tòa án Hình sự quốc tế về Nam Tư (cũ).
Phát biểu trước Đại hội đồng, ông Mansour nói: "Đây là một bước đi quan trọng trong hành trình của chúng tôi tìm kiếm tự do, độc lập và quy chế thành viên chính thức của Liên hợp quốc."
Ông Mansour đánh giá mặc dù cuộc bỏ phiếu có tính tượng trưng, song nó phản ánh việc cộng đồng quốc tế, cụ thể là Đại hội đồng Liên hợp quốc, kỳ vọng Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Phó Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc David Roet khẳng định: Nhà nước Do Thái giữ nguyên lập trường rằng Chính quyền Palestine không phải là nhà nước và không đáp ứng được tiêu chuẩn của một nhà nước.
Đây là lần đầu tiên Palestine tham gia bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, gần một năm sau khi được nâng cấp lên quy chế nhà nước quan sát viên tại Liên hợp quốc ngày 29/11/2012. Palestine không thể bỏ phiếu về các nghị quyết của Liên hợp quốc nhưng theo quy định, Palestine và các quan sát viên khác như Vatican có thể bỏ phiếu để bầu thẩm phán của các tòa án quốc tế.
Trong một diễn biến khác, ngày 18/11, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định Palestine sẽ tham gia các cuộc hòa đàm với Israel trong thời gian 9 tháng theo kế hoạch đã định, tuy nhiên vẫn duy trì quan điểm phản đối hoạt động xây dựng nhà định cư của Israel.
Phát biểu tại một cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Francois Hollande đang ở thăm Palestine, Tổng thống Abbas nhấn mạnh vấn đề xây dựng khu định của Israel, các vụ tấn công nhằm vào người Palestine, cũng như việc giam giữ hàng nghìn tù nhân Palestine là "những đe dọa lớn nhất có thể hủy hoại tiến trình hòa bình."
Về phần mình, Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi Israel chấm dứt hoàn toàn hoạt động xây nhà định cư trên các vùng đất chiếm đóng của người Palestine. Ông Hollande cảnh báo việc xây dựng khu định cư sẽ cản trở tiến trình đàm phán hòa bình vốn trì trệ suốt hơn 3 tháng qua với rất ít dấu hiệu tiến triển.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, phát biểu trước Quốc hội Israel ngày 18/11, Tổng thống Hollande đã kêu gọi một giải pháp hai nhà nước, với Jerusalem là thủ đô chung của Israel và Palestine.
Ông Hollande đã nhắc lại chính sách của Pháp về việc Israel phải ngừng xây dựng tại Bờ Tây vì các khu định cư cản trở việc thành lập một "nhà nước Palestine." Israel và Chính quyền Palestine (PA) phải có quan điểm "thực tế" và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm chấm dứt cuộc xung đột.
Ông Hollande nhấn mạnh rằng hiện trạng của người Palestine hiện nay không thể kéo dài và hai bên "cần thỏa hiệp thông qua giải pháp hai nhà nước."
Tổng thống Pháp Hollande tới Tel Aviv ngày 17/11 vừa qua trong chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên đến Israel kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2012./.