PCLOB: NSA ngăn chặn được nhiều âm mưu tấn công khủng bố

NSA lại nhận được ủng hộ, đánh giá cao của PCLOB cho rằng cơ quan này chặn đứng thành công nhiều âm mưu tấn công khủng bố, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan.

Mặc dù dính vào vụ bê bối tình báo lớn nhất từ trước đến nay, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) lại nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của Ủy ban Giám sát Quyền riêng tư và Tự do công dân (PCLOB), cho rằng cơ quan tình báo này đã chặn đứng thành công nhiều âm mưu tấn công khủng bố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan.

Trong một tuyên bố, ngày 2/7, theo PCLOB - cơ quan được thành lập dựa trên yêu cầu của Hội đồng 11/9 của Mỹ, các chương trình giám sát do NSA thực hiện đã bắt giữ hơn 100 đối tượng liên quan đến các hành động khủng bố; đồng thời đập tan các âm mưu tấn công khủng bố.

PCLOB nêu rõ trong số này khoảng 15 vụ liên quan đến âm mưu nhằm vào nước Mỹ, trong khi khoảng 40 trường hợp được lên kế hoạch tiến hành tại các quốc gia khác trên thế giới.

Những tiết lộ trên được đưa ra trong dự thảo báo cáo công bố ngày 1/7 vừa qua. Theo đó, PCLOB ủng hộ các hoạt động do thám của NSA và cho rằng chương trình thu thập thông tin khổng lồ của cơ quan này nhắm vào các đối tượng nước ngoài là một công cụ hợp pháp và quan trọng trong cuộc chiến khủng bố.

Cũng trong báo cáo này, PCLOB khẳng định chương trình giám sát thông tin của NSA hoạt động trong khuôn khổ một đạo luật có tên là Mục 702 (Section 702) của Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA).

Trong trường hợp những nỗ lực của NSA không ngăn chặn được các âm mưu khủng bố, Mục 702 được sử dụng để đưa ra các cảnh báo về một mối nguy hiểm tồn tại hoặc nhằm hỗ trợ các cuộc điều tra đang tiến hành. Đây cũng là mục cho phép tiến hành chương trình thu thập thông tin của người dùng Internet-gọi tắt là PRISM, theo đó NSA thu thập thông tin tình báo nước ngoài thông qua các công ty Internet lớn trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft và Apple.

Trái ngược với nhận định tích cực của PCLOB, gồm 5 nghị sỹ thuộc hai đảng do Tổng thống Barack Obama chỉ định, giới phân tích Mỹ lại cho rằng đánh giá của ủy ban này chưa khách quan và chỉ đơn thuần dựa trên khía cạnh chức năng của NSA.

Nhiều ý kiến thể hiện sự không hài lòng với dự thảo báo cáo, nhận định rằng văn bản này không quan tâm đến sự việc cựu nhân viên tình báo Edward Snowden phơi bày chương trình giám sát tối mật của NSA.

Giới phân tích quan ngại rằng biện pháp "giơ cao đánh khẽ" của Chính phủ Mỹ sẽ không đảm bảo quyền riêng tư của người dân Mỹ trước hoạt động do thám của các cơ quan tình báo Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục