Theo báo cáo mới cập nhật từ Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), năm 2023, Bảng xếp hạng Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả, viết tắt là VIX50, đã ghi nhận sự xuất hiện lần đầu tiên của một số doanh nghiệp về những nỗ lực và kết quả ấn tượng mà họ đạt được trong khoảng thời gian nhiều biến động vừa qua.
Cụ thể là: Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (CTR), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), Tổng Công ty IDICO (IDC), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (MVN), Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SAB), Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SSB), Tổng Công ty Viglacera-Công ty cổ phần (VGC) và Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE)...
Trong danh sách của VIX50 2023, có 29 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD, 25 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 tỷ USD và 43 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Nhóm ngành ngân hàng vẫn áp đảo trong VIX50 năm nay với 15 đại diện, tiếp đến là nhóm ngành bất động sản với 6 đại diện.
Nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng có 5 đại diện; nhóm vận tải và logistics có 4 đại diện; thực phẩm có 4 đại diện và hóa chất có 4 đại diện.
VIX50 đã phác họa bức tranh tổng thể về "sức khỏe" của các doanh nghiệp đại chúng, cũng như ghi nhận những cái tên có sức mạnh bền bỉ, thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt thị trường năm qua.
Tuy nhiên, để đánh giá triển vọng của thị trường và bước tiến của các công ty đại chúng trong thời gian tới, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report nhận định trong bối cảnh hiện tại, tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế và rủi ro tiềm ẩn từ những biến số mới sẽ tiếp tục đòi hỏi sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng nhạy bén tận dụng cơ hội để tăng trưởng của doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi toàn thị trường chứng khoán bước vào thời kỳ khôi phục niềm tin sau những vụ án sai phạm giai đoạn trước, cần chú trọng hơn việc nâng cao uy tín và hiệu quả, tạo dựng hình ảnh thương hiệu mạnh và một chiến lược marketing.
[Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023]
Theo ông Vinh, năm 2023 được coi là năm bản lề và rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, khi hơn 1/2 chặng đường của năm 2023 trôi qua, một số chuyển biến tích cực được ghi nhận như yếu tố tỷ giá, lạm phát được kiểm soát ổn định và có xu hướng hạ nhiệt; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong 6 tháng năm 2023 tăng 3,29%, giảm so với mức tăng 3,55% của 5 tháng năm 2023 và là mức lũy kế thấp nhất kể từ đầu năm 2023 đã tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, sự kiện Tổng thống và phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sang thăm Việt Nam mới đây cũng mở ra những kỳ vọng về cơ hội hợp tác và cải thiện dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Tuy nhiên, “liều lượng” của những chuyển biến này chưa đủ sức lấn át bầu không khí ảm đạm chi phối bức tranh kinh tế chung. Mối đe dọa về việc các nền kinh tế toàn cầu tiến tới suy thoái vẫn dai dẳng trong một thế giới biến động.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, được công bố vào tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 2,1% trong năm 2023. Con số này đã được điều chỉnh tăng so với mức dự báo 1,7% đã được đưa ra hồi tháng 1 năm nay, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 là 3,1%.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay giảm xuống còn 6%. Kinh tế toàn cầu suy yếu, kéo theo đơn hàng giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu đã giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tính chung 6 tháng qua, tuy vẫn có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước là 10,9%, song đà tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 113.600 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Áp lực của một cuộc suy thoái có thể xảy ra đang được cảm nhận rõ rệt và hầu hết mọi doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức về tăng trưởng doanh thu và rủi ro thu hẹp biên lợi nhuận trong năm nay.
Sau những dấu hiệu không mấy tích cực của nền kinh tế trong hai quý đầu năm nay, việc “thu mình” lại và cẩn trọng trước mọi biến động của thị trường đã trở thành một lựa chọn phổ biến của các doanh nghiệp, ông Vinh nhận định.
Tuy nhiên, bên trong bất kỳ khủng hoảng nào, những giai đoạn khó khăn nhất, cũng có thể nảy sinh những ý tưởng mới và những cơ hội chưa được xác định trước đây dành cho những doanh nghiệp biết tận dụng.
Dù không thể thay đổi bối cảnh bấp bênh của môi trường kinh doanh thời điểm này, nhưng theo ông Vinh, các doanh nghiệp có quyền lựa chọn cách xoay chuyển hoạt động kinh doanh cho phù hợp, định vị mình để xác định hướng đi một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trên thực tế, với việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và hoạch định chiến lược phù hợp, doanh nghiệp không chỉ có thể trụ vững trong thời kỳ hỗn loạn mà còn tiềm năng giành được thị phần khi nền kinh tế phục hồi. Suy thoái kinh tế có thể là một cơ hội lớn để suy nghĩ lại về chiến lược, xây dựng mối quan hệ, đầu tư vào thương hiệu của doanh nghiệp và tăng đáng kể thị phần.
Vào những thời điểm khó khăn như hiện tại, các doanh nghiệp lý tưởng nhất là doanh nghiệp "thuận cả hai tay": thận trọng trong việc quản lý rủi ro trong khi tích cực theo đuổi cơ hội, ông Vinh khuyến nghị./.