Đây là mục tiêu của dự án Giảm nghèo khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2014-2019 triển khai ở 6 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, đã có hơn 8.000 người dân được hưởng lợi từ dự án với 703 tiểu dự án cải thiện và phát triển sinh kế cho các hộ nghèo như trồng lúa, trồng ngô, trồng mía, cải tạo vườn hộ, nuôi bò, nuôi gà...
Trong số 703 tiểu dự án, 494 tiểu dự án An ninh lương thực và Dinh dưỡng (100% thành viên là phụ nữ, trong đó tối thiểu 70% thành viên thuộc các hộ nghèo và cận nghèo) tương đương với khoảng 5.500 đối tượng được dự án hỗ trợ đầu vào sản xuất, tập huấn kỹ thuật canh tác, giảm tình trạng thiếu đói và thiếu hụt dinh dưỡng.
Dự án đã triển khai 209 tiểu dự án đa dạng hóa thu nhập (tối thiểu 70% thành viên là từ các hộ nghèo và cận nghèo) tương đương khoảng 2.500 đối tượng được hỗ trợ cây, con giống, vật tư đầu vào để thúc đẩy các hoạt động sinh kế hiện có tại địa phương nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Bên cạnh việc phát triển sinh kế bền vững, dự án cũng quan tâm phát triển kết nối hạ tầng trong vùng dự án. 197 công trình cơ sở hạ tầng cấp thôn bản tại địa phương đã và đang được triển khai, trong đó có 99 công trình có giá trị dưới 300 triệu đồng sử dụng phương pháp đấu thầu có sự tham gia của cộng đồng.
Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được tài trợ bởi vốn vay Ngân hàng thế giới và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay vào khu vực này là 165 triệu USD. Dự án được thực hiện từ năm 2014-2019 tại 130 xã thuộc 26 huyện nghèo nhất của 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Mục tiêu của dự án là nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng dự án. Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ trực tiếp điều hành, quản lý việc triển khai dự án này./.