Thảo luận kết quả giám sát thực hiện giảm nghèo 2005-2012

Sáng 7/6, các đại biểu đã làm việc ở hội trường, thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Thảo luận kết quả giám sát thực hiện giảm nghèo 2005-2012 ảnh 1Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, sáng 7/6, các đại biểu đã làm việc ở hội trường thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng: đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như những chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo.

Đồng thời, kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn bộc lộ những mặt chưa đạt như mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế...

Để hướng đến sự giảm nghèo bền vững, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng: Cần phải thay đổi cơ cấu cũng như phương thức tổ chức, sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc sang những ngành nghề phi nông nghiệp; khuyến khích phát triển doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nông nghiệp với quy mô phù hợp. Mặt khác, cần phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, mới nâng cao năng suất nông nghiệp. Đồng thời, sớm có "đạo luật" hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn.

Nhấn mạnh đến việc phải có biện pháp để giảm hộ nghèo một cách bền vững, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng: Chính phủ cần đánh giá lại chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo do quỹ đất không có khả năng đáp ứng. Qua đó, để có chính sách sinh kế cho người dân thông qua cơ chế chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển hệ thống nhà ở xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, để giảm nghèo bền vững cần phải phát triển sản xuất hàng hóa, từ đó tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo không nên dàn trải mà cần trung có trọng điểm, trước mắt ưu tiên những vùng thật sự khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Ngoài ra, mặc dù người nghèo đã thoát nghèo nhưng thực chất họ vẫn rất khó khăn; do đó, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch...

Y tế tuyến xã còn thiếu và yếu

Thảo luận về chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng: Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo trong thời gian qua được quan tâm ở tất cả các cấp, công tác quản lý, phương thức chi trả khám, chữa bệnh đã có những cải tiến phù hợp hơn.

Chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế cùng với sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng y tế cơ sở… đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế với sự hỗ trợ của Nhà nước đã tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, đáp ứng cơ bản mục tiêu đảm bảo an sinh trong chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế của người nghèo ở các địa bàn khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với các khu vực khác. Tỷ lệ người cận nghèo mua bảo hiểm y tế rất thấp. Số xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia, thiếu nhân lực chuyên môn ở các bệnh viện, dịch vụ và cơ sở hạ tầng y tế, giao thông đi lại ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn hạn chế đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cũng như cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là người nghèo ở các khu vực này.

Để khác phục những mặt hạn chế trên, các đại biểu đề nghị: Chính phủ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đặc biệt người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách để đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng này khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tuyến trong phạm vi địa bàn tỉnh được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng): Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; các chương trình, dự án quốc gia cần ưu tiên cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chính phủ cần bổ sung kinh phí cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các huyện nghèo, đặc biệt đối với những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để tạo thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với dịch vụ y tế một cách thuận lợi và giảm gắng nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Mặt khác, Chính phủ cần có những chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế công tác tại huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đội ngũ y tế là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là bác sỹ công tác tại các trạm y tế xã/ thôn/bản...

Phát biểu ý kiến và làm rõ thêm về chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vấn đề cơ sở vật chất thì Chính phủ đã ban hành một quyết định về việc đầu tư cơ sở vật chất cho bệnh viện tuyến trong cả nước. Còn đối với tuyến xã và những trạm y tế xã đang xuống cấp, Bộ Y tế đã và đang tìm các nguồn xã hội hóa để khắc phục; đến nay trạm y tế xã ở một số tỉnh đã được đầu tư xây dựng như tại các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế, nhờ các nguồn xã hội hóa, nên tất cả các trạm y tế xã đều được xây hai tầng và có trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia...

Đối với nguồn nhân lực, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn thiếu bác sỹ, nhất là bác sỹ giỏi, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã triển khai đề án thí điểm đưa bác sỹ giỏi về 63 huyện nghèo (nam 3 năm, nữ 2 năm) - những bác sỹ này sẽ được thời đào tạo chuyên khoa sớm hơn so với các bác sỹ bình thường và được tuyển viên chức trước khi đi cơ sở.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ ban hành một Thông tư về việc tổ chức lại đối với y tế tuyến huyện; cụ thể sẽ sát nhập tất cả các trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện thành trung tâm y tế để giảm bớt đầu mối và trạm y tế xã sẽ trực tiếp trung tâm y tế này. Như vậy, trung tâm y tế sẽ làm nhiệm vụ điều động, luân chuyển bác sỹ tuyến huyện xuống trạm y tế xã...

Cũng thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, các đại biểu Quốc hội đã góp ý vào các nội dung như chính sách hỗ trợ giáo dục-đào tạo; chính sách dạy nghề, tạo việc làm; chính sách tín dụng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục