Phân hóa giàu nghèo làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói

Chủ tịch WB cho rằng sự thiếu tiến triển trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu-nghèo có nguy cơ chia rẽ nền kinh tế toàn cầu, gây bất lợi cho những người nghèo nhất thế giới.
Phân hóa giàu nghèo làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ảnh 1Phân phát thức ăn cứu trợ cho trẻ em tại huyện Howlwadag, Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/7, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cảnh báo khoảng cách ngày càng tăng giữa các quốc gia giàu và nghèo có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở các nước đang phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Gandhinagar của Ấn Độ, ông Banga đã bày tỏ lo ngại sự thiếu tiến triển trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo có nguy cơ chia rẽ nền kinh tế toàn cầu, gây bất lợi cho những người nghèo nhất thế giới.

Ông nêu rõ: “Điều khiến tôi thao thức suốt đêm là sự ngờ vực đang âm thầm chia rẽ khu vực Bắc Bán cầu (nơi chủ yếu tập trung những nước phát triển và giàu có) và Nam bán cầu (nơi chủ yếu tập trung các nước đang phát triển, phát triển trung bình và kém phát triển) vào thời điểm chúng ta cần đoàn kết lại. Sự thất vọng của (các nước) ở Nam bán cầu là điều dễ hiểu. Theo nhiều cách, họ đang phải trả giá cho sự thịnh vượng của chúng ta."

[Thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đói kém chưa từng thấy]

Cũng theo Chủ tịch Banga, những quốc gia đang phát triển và thu nhập thấp đang lo ngại mọi nguồn lực đã được cam kết sẽ được chuyển hướng sang tái thiết Ukraine.

Những nước này cảm thấy các quy tắc năng lượng không được áp dụng đồng đều và lo ngại tình trạng nghèo đói sẽ kéo một thế hệ khác đi xuống.

Cảnh báo của người đứng đầu WB được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đang phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra tác động nặng nề nhất đến một số quốc gia nghèo nhất nhưng lại có năng lực ứng phó kém nhất.

Ngày 17/7, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã khởi động các cuộc thảo luận với lời nhắc nhở các nhà lãnh đạo về trách nhiệm của họ "chèo lái nền kinh tế toàn cầu hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện."

Cũng tại hội nghị trên, Chủ tịch WB Banga đã công bố các kế hoạch mới nhằm đảm bảo bảng cân đối kế toán của thể chế tài chính này hoạt động hiệu quả hơn và giúp các quốc gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các thách thức khác. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc tăng vốn vẫn là điều cần thiết.

Các bước đi mới, vẫn đang được thảo luận với các quốc gia cổ đông, dựa trên các bước cải cách ban đầu được phê duyệt vào tháng 4 năm nay nhằm cho phép WB có thể cấp thêm các khoản tín dụng có tổng trị giá lên tới 50 tỷ USD trong thập niên tới.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Mỹ, cổ đông lớn nhất của WB, đã bắt đầu thúc đẩy việc cải cách thể chế tài chính này, sau đó đề cử ông Banga kế nhiệm cựu Chủ tịch David Malpass với nhiệm vụ cụ thể là đẩy nhanh quá trình phát triển của tổ chức gần 70 năm tuổi này.

Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi nỗ lực hơn nữa để cải cách WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác, nhấn mạnh rằng việc tăng vốn sẽ chỉ được đưa ra bàn thảo sau khi WB thực hiện các thay đổi để nâng cao năng lực nhằm hỗ trợ các quốc gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các thách thức khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục