Phản ứng của Mexico và Canada về quy tắc xuất xứ trong USMCA

Trọng tâm của mối bất đồng giữa Mexico-Canada và Mỹ là liệu ngành ôtô có thể "làm tròn" giá trị được tính toán ở Bắc Mỹ đối với linh kiện để đạt được quy tắc 75% tổng thể về xuất xứ hay không.
Phản ứng của Mexico và Canada về quy tắc xuất xứ trong USMCA ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong hai ngày vừa qua, các nhóm pháp lý của Mexico, Mỹ và Canada đã tham gia phiên điều trần tại Washington về cáo buộc của Mexico và Canada cho rằng Mỹ diễn giải sai quy tắc xuất xứ trong lĩnh vực ôtô trong Hiệp định thương mại ba bên (USMCA).

Cụ thể, Mexico và Canada cáo buộc Mỹ hiểu sai cơ chế tính hàm lượng giá trị khu vực của ôtô, trong khi Washington cho rằng vấn đề nằm ở chỗ, các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp ở Mexico và Canada không muốn tăng đầu tư vào hai nước này.

Thay vì tăng tỷ lệ phụ tùng được sản xuất trong khu vực, các công ty này lại ưu tiên nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức.

Thông cáo của Bộ Kinh tế Mexico (SRE) cho biết phiên điều trần đã kết thúc và dự kiến ban hội thẩm sẽ ra quyết định cuối cùng vào tháng 11/2022.

SRE khẳng định quan điểm nhất quán của Mexico là việc diễn giải và áp dụng USMCA phải cho phép các nhà sản xuất xe trong khu vực hưởng lợi từ những quy tắc mới về xuất xứ.

[Mỹ, Canada và Mexico tranh chấp về nội dung cốt lõi hiệp định USMCA]

Do đó, Mexico quyết định khởi xướng tranh chấp thương mại là do Mỹ đã từ chối sử dụng một số phương pháp luận nhất định để ngăn các bộ phận thiết yếu, như động cơ hoặc hệ thống treo, được công nhận là có xuất xứ trong khu vực.

SRE cam kết tiếp tục nỗ lực để bảo vệ ngành công nghiệp ôtô, một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia và tạo sinh kế cho hơn 6 triệu gia đình Mexico.

Được đàm phán dưới thời Tổng thống Donald Trump, USMCA được cho là sẽ thay thế liền mạch Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã tồn tại từ năm 1993.

Thỏa thuận mới xác định đến năm 2025, 75% ôtô con hoặc xe tải nhẹ và các thành phần cốt lõi như động cơ hoặc hộp số phải được sản xuất ở Bắc Mỹ để tránh bị áp thuế. Đó là mức tăng đáng kể từ 62,5% theo NAFTA.

Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất ôtô phải cắt giảm các phụ tùng được sản xuất ở nước ngoài vốn có chi phí rẻ hơn.

Tuy nhiên, ôtô được tạo thành từ hàng nghìn bộ phận khác nhau, và trọng tâm của mối bất đồng giữa Mexico-Canada và Mỹ là liệu ngành công nghiệp ôtô có thể "làm tròn" giá trị được tính toán ở Bắc Mỹ đối với linh kiện nhỏ để đạt được quy tắc 75% tổng thể hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục