Phản ứng trái chiều của quốc tế về vụ WikiLeaks

Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng trái chiều sau khi WikiLeaks công bố hàng trăm nghìn văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục có những phản ứng trái chiều sau khi trang mạng WikiLeaks công bố hàng trăm nghìn văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ cho nhiều tờ báo hàng đầu thế giới.

Nhiều nước cho rằng những tiết lộ này hủy hoại nền ngoại giao, trong khi một số nước có cách nhìn nhẹ nhàng hơn đối với hành động này.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ, coi đây là một "tội ác" và cho rằng chỉ chính phủ các nước mới có quyền quyết định về việc công bố những tài liệu nhạy cảm này. Phát biểu trước báo giới ngày 30/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara khẳng định vụ tiết lộ này là một thảm kịch và tội ác.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng ngày đã lên án việc WiliLeaks tiết lộ các văn thư ngoại giao trên, khẳng định đây là hành vi vô trách nhiệm không thể chấp nhận được. Trước đó, ngày 29/11, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố khẳng định hành động này là cuộc tấn công nhằm vào chủ quyền của các quốc gia.

Trước đó, các nước Nga, Canada và Italy cũng đã chỉ trích hành động này.

Ngoại trưởng Mỹ Hilari Hillary Clinton ngày 30/11 đã lên đường tời Kazakhstan để dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Trước đó, bà đã cáo buộc WikiLeaks tấn công nước Mỹ và thế giới, đồng thời tái khẳng định với các nước đồng minh rằng Washington vẫn là một đối tác đáng tin cậy.

Trong khi đó, ông Julian Assange - nhà sáng lập trang mạng trên đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ một số quốc gia Nam Mỹ.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đánh giá cao sự dũng cảm của ông Assange khi công bố các tài liệu quân sự và ngoại giao tuyệt mật của Mỹ.

Nhà lãnh đạo cánh tả cho rằng Ngoại trưởng H.Clinton nên từ chức. Một quan chức ngoại giao của Ecuador tuyên bố nước này dự định mời nhà sáng lập WikiLeaks tới nước này để công bố mọi thông tin đang nắm giữ.

Trung Quốc hối thúc Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan tới những văn thư ngoại giao bị rò rỉ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định Bắc Kinh không muốn bất kỳ sự xáo trộn nào trong quan hệ với Washington.

Trong những văn thư ngoại giao WikiLeaks mới tiết lộ có thông tin khẳng định các đồng minh của Mỹ trong thế giới Arập đã hối thúc Washington có lập trường cứng rắn trong cuộc chiến chống các tay súng Hồi giáo và Iran. Ai Cập đã từng khuyên Mỹ không nên theo đuổi một nền dân chủ tại Iraq và thay vào đó là dựng lên một nhà độc tài mới để đối chọi với Iran.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Kuwait đã nói với đại sứ Mỹ tại nước này rằng Kuwait không muốn tiếp nhận các công dân nước này tình nghi là khủng bố và bị giam giữ tại nhà tù quân sự Guantanamo.

Quan chức này gợi ý "điều tốt nhất là giải thoát cho họ". Quốc vương Arập Xêút Abdullah đề nghị cấy các vi mạch điện tử vào người những đối tượng này để lực lượng an ninh tiện theo dõi.

Đại sứ quán Mỹ tại Pretoria ngày 29/11 đã khuyến cáo Nam Phi về khả năng rò rỉ thông tin mật của Bộ Ngoại giao và Chính phủ Mỹ liên quan đến Nam Phi và cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Chính phủ Mỹ đã thông báo về khả năng nhiều tài liệu mật của Bộ Ngoại giao và Chính phủ Mỹ liên quan đến Nam Phi và một số nước châu Phi khác, nhất là các tài liệu phân tích nhạy cảm về cá nhân cựu Tổng thống Mandela, có thể bị tung lên trang web WikiLeaks. Tuy nhiên, Mỹ tin rằng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Mỹ và Nam Phi sẽ không bị ảnh hưởng.

Đại sứ quán Mỹ tại Nam Phi không bình luận về những thông tin có thể bị tiết lộ nhưng cho rằng khả năng WikiLeaks có thể tiết lộ các bức điện tín giữa Đại sứ quán Mỹ tại Pretoria và Washington về mối quan hệ giữa cựu Tổng thống Nam Phi Mandela và cựu Tổng thống Mỹ George W Bush, vấn đề Mỹ tấn công Iraq năm 2003, đặc biệt là vai trò Liên hợp quốc và cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan trong cuộc tấn công này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục