Pháp báo động "đỏ" về nguy cơ tấn công khủng bố

Pháp nâng mức báo động lên màu "đỏ," sau khi có thông tin những kẻ khủng bố có thể tấn công vào các mục tiêu tập trung đông người.
Ngày 20/9, Pháp đã nâng mức báo động về nguy cơ xảy ra khủng bố lên mức cao sau khi cơ quan tình báo nước này tiết lộ thông tin những kẻ khủng bố có thể sẽ nhằm vào các mục tiêu công cộng hoặc nơi tập trung đông người để tấn công.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Brice Hortefeux, đất nước đang phải đối mặt với nguy cơ thực sự từ chủ nghĩa khủng bố và vì vậy chính phủ phải nâng mức báo động nhằm nâng cao cảnh giác trước nguy cơ này.

Phát biểu trước báo giới, ông Hortefeux khẳng định mức báo động đã được nâng lên màu "đỏ" - mức cao thứ hai trong thang báo động, sau màu "đỏ tươi," chỉ được "kích hoạt" trong trường hợp xác định vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra ngay lập tức.

Hiện Pháp đã huy động tất cả các phương tiện cần thiết để ngăn chặn bất kỳ hành động nguy hiểm nào.

Các nhà chức trách Pháp đã nâng mức báo động chống khủng bố lên mức cao sau khi xảy ra vụ nhóm khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi tháng Bảy vừa qua sát hại con tin người Pháp Michel Germaneau để "trả đũa" một cuộc tiến công của lực lượng đặc nhiệm nước này phối hợp với quân đội Mauritania nhằm vào al-Qaeda ở Mali để giải cứu con tin Pháp.

Mới đây nhất là những vụ đe dọa đánh bom liên tiếp nhằm vào Tháp Eiffel và một ga tàu hỏa ngầm chạy các tuyến phụ cận ở thủ đô Paris, Pháp. Mặc dù chỉ là những lời đe dọa giả, song vụ việc cũng khiến giao thông ở thủ đô Paris ngày 14/9 trở nên lộn xộn.

Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn nữa khiến nước Pháp rơi vào tình trạng bị đe dọa khủng bố liên tiếp là việc tuần trước, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cấm phụ nữ mang mạng che mặt ở nơi công cộng.

Dự luật trên đã gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp, nước có tỷ lệ người Hồi giáo đông nhất ở châu Âu. Hội đồng Hồi giáo Pháp (CFCM), cơ quan đại diện chính của người Hồi giáo tại nước này, đã chống lại dự luật này và cho rằng dù chỉ liên quan đến khoảng 2.000 phụ nữ, nhưng dự luật này là sự xúc phạm đến cộng đồng người Hồi giáo.

Bên cạnh đó, chính sách của chính phủ Pháp trục xuất người Digan về Romania và Bulgaria cũng gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người thiểu số sinh sống tại Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục